Cuộc chiến pin xe điện (kỳ 2): Áp lực mở rộng thị trường
Trong xu hướng giá thành sản xuất pin giảm cùng với những kỳ vọng mới ở phòng thí nghiệm, các nhà sản xuất pin xe điện đang nỗ lực mở rộng địa bàn hoạt động. Trong khi đó, để thu hút khách hàng, nhiều hãng xe đã giới thiệu những mẫu xe mới, có thể đi được 1.000 km cho mỗi lần tiếp nhiên liệu.
Dư thừa công suất, mở rộng thị trường
Một diễn biến mới trên thị trường pin xe điện là giá pin đang giảm. Thống kê của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, giá pin giảm gần 14% trong giai đoạn 2022-2023. Cùng với sự suy giảm của sản lượng xe bán ra do tình hình kinh tế khó khăn, giá xe cũng phải giảm theo, kéo theo đó là việc các nhà sản xuất pin xe điện phải tối thiểu hóa chi phí và mở rộng thị trường.
Các công ty sản xuất pin hiện đang tiếp tục mở rộng theo hai hướng, tiến đến gần thị trường tiêu dùng ô tô điện lớn và mở rộng năng lực sản xuất ra bên ngoài theo hình thức hợp tác quốc tế và thương mại về công nghệ.
Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất pin Trung Quốc có lợi thế lớn về tận dụng công suất đang dư thừa và khả năng làm chủ về nguyên vật liệu. Tuy nhiên, dù có lợi thế lớn nhưng hiện hoạt động xuất khẩu pin của Trung Quốc vẫn còn kém hơn các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi các công ty Trung Quốc chỉ có dưới 30 GWh bên ngoài lãnh thổ thì doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản đã lần lượt chiếm 350 GWh và 57 GWh.
Khu vực Đông Nam Á hiện là nơi thu hút sự chú ý của nhiều nhà sản xuất pin. Tại Việt Nam, công ty mẹ của VinFast đã hợp tác với công ty Gotion High-Tech của Trung Quốc để phát triển một số loại pin LFP và xây dựng hai nhà máy sản xuất pin lithium ở tỉnh Hà Tĩnh. Ở Thái Lan, BYD đã khánh thành nhà máy sản xuất đầu tiên, bao gồm cả chức năng lắp ráp pin, trong khu vực hồi tháng 7 rồi. Mới đây, có thông tin cho biết, liên doanh giữa Hyundai và LG Energy Solution sẽ đầu tư nhà máy sản xuất pin tại Indonesia, nơi được cho là giàu tài nguyên về nickel và đồng.
Trong báo cáo mới nhất của HSBC về thị trường xe điện Việt Nam, các chuyên gia cũng dự báo các nhà sản xuất trong nước sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện trong khi thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng với đó, Việt Nam cũng có thể nâng cấp hệ sinh thái xe điện trong nước bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm dồi dào, nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Dù không phổ biến bằng lithium (đóng vai trò quan trọng sản xuất pin xe điện), 17 nguyên tố hiện có trong nước vẫn rất có ý nghĩa đối với ngành sản xuất xe điện.
Cạnh tranh đầu tư công nghệ mới
Bên cạnh cuộc chiến của chi phí, sự đổi mới về công nghệ pin mới được xem là tương lai của ngành. Bài học của BYD cho thấy, cùng các sáng chế kỹ thuật điện tử, cuộc cách mạng của pin Blade đóng góp rất quan trọng trong quá trình điện khí hóa.
Năm 2023, các nhà sản xuất pin hàng đầu như BYD, Northvolt (Thụy Điển) và CATL đã công bố kế hoạch mở rộng pin natri-ion. Công nghệ này được cho là có mức giá thành thấp hơn khoảng 20% so với công nghệ hiện tại, phù hợp xe điện đô thị nhỏ gọn và bộ lưu trữ điện cố định, theo ghi nhận của IEA.
Thị trường công nghệ pin tuy còn rất nhiều ẩn số trong phòng thí nghiệm lẫn khả năng thương mại hóa nhưng một số hãng đã đạt những kết quả tích cực. Mới đây, Toyota đã có những bước tiến mới với dự án xe điện pin thể rắn, với khả năng sạc pin nhanh và nâng phạm vi hoạt động. Đây là dự án mà hãng đã đeo đuổi nhiều năm.
Ở Việt Nam, một số tập đoàn lớn cũng hướng đến mảng pin. Tháng 4 năm ngoái, VinES (công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện thuộc Vingroup) công bố thỏa thuận hợp tác với StoreDot (Israel) để nghiên cứu công nghệ sạc siêu nhanh. Khoảng hai năm trước, Masan High-tech Materials, thuộc tập đoàn Masan năm 2022 cũng từng nói rót tiền vào Nyobolt, thử nghiệm ứng dụng vật liệu Vonfram cho giải pháp pin sạc nhanh.
Để tăng hiệu năng sử dụng pin, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tiếp thị nhiều loại xe điện có khả năng mở rộng tầm hoạt động (EREV) với công nghệ sử dụng động cơ điện làm hệ truyền động nhưng có động cơ đốt trong có thể dùng để sạc lại pin khi cần. Kiểu xe này có thể đạt phạm vi khoảng 1.000 km khi cần thiết. Năm 2023, tỷ trọng EREV tăng từ mức 15% trong giai đoạn 2021-2022 lên mức 25% tổng doanh số PHEV tại Trung Quốc, theo IEA.
Trước đó, BYD cũng cho biết sẽ hoàn tất công đoạn nghiên cứu pin Blade thế hệ 2 trong năm nay và đẩy khả năng vận hành xe lên đến 1.000 km sau mỗi lần sạc đầy, ngang bằng thông số (trên lý thuyết) của pin thể rắn đang được các hãng xe toàn cầu phát triển. Ưu điểm của loại pin mới được liệt kê là nhỏ hơn, nhẹ hơn, có tốc độ tiêu thụ năng lượng chậm hơn.
Mẫu xe thương mại đầu tiên được hãng ra mắt hồi tháng 5 tại Trung Quốc là Qin L DM-i với công nghệ plug-in hybrid (xe hybrid sạc ngoài) thế hệ thứ 5, có phạm vi hoạt động lên tới 2.100km (theo tiêu chuẩn CLTC). Hồi đầu năm, BYD đặt mục tiêu tăng 20% sau khi đạt mốc kỷ lục 3 triệu vào năm 2023 và đến thời điểm này, mục tiêu kỳ vọng lên đến con số 4 triệu xe, tức tăng 33%, theo đánh giá của nhà phân tích tại JP Morgan, được tờ Reuters dẫn lại gần đây.
Các đại diện của BYD cũng cho biết, tuy hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam vẫn chưa phát triển nhưng người dùng sẽ sớm được trải nghiệm những mẫu xe có phạm vi hoạt động 1.000km. “Sự kết hợp giữa các mẫu xe này và các mẫu xe thuần điện hiện tại có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường Việt Nam”, ông Liu Xueliang, Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của BYD Auto, nói với giới truyền thông Việt Nam tại đại bản doanh BYD ở Thành phố Thâm Quyến.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chien-pin-xe-dien-ky-2-ap-luc-mo-rong-thi-truong/