'Cha đẻ' mã QR và giấc mơ… làm nông dân
ít ai biết, cái nôi ra đời của mã QR lại là từ một công ty sản xuất phụ tùng ô tô và 'cha đẻ' của mã QR có ước mơ rất bình dị: Làm nông dân!
Sáng tạo mã QR vì quá áp lực công việc
Mã QR (Quick Respone - phản ứng nhanh) giờ đây không chỉ được biết đến là ứng dụng công nghệ phổ biến nhất trong phòng, chống dịch Covid-19, mà nó còn tác động to lớn tới mọi hoạt động kinh doanh, thương mại toàn cầu.
“Cha đẻ” của mã QR là ông Masahiro Hara, một kỹ thuật viên nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp Denso Wave, thuộc Tập đoàn Toyota. Ông là người kín tiếng, rất ít khi trò chuyện với truyền thông.
Trong buổi chia sẻ hiếm hoi với tờ báo uy tín của Nhật Bản Mainichi, ông Hara kể rằng, mục đích ban đầu khi sáng chế ra mã QR chỉ là để theo dõi phụ tùng ô tô tại nhà máy.
Mã QR ra đời năm 1992 khi ông Hara đang làm việc tại phòng nghiên cứu và phát triển mã vạch của Tập đoàn Denso (công ty mẹ của Denso Wave).
Lúc ấy, Denso thường sử dụng mã vạch để theo dõi phụ tùng ô tô. Nhưng mã vạch chỉ có thể mã hóa được 20 - 25 ký tự. Càng nhiều thông tin cần thể hiện như lịch sử sản xuất, vận tải thì càng cần nhiều mã code phải lập, khiến 1 sản phẩm có lúc cần tới 10 mã vạch.
“
Ngoài ông Hara, một nhân vật khác cũng đóng góp phần quan trọng trong sáng tạo mã QR là Takayuki Nagaya, làm việc tại Phòng Nghiên cứu và Phát triển Toyota Central R&D Labs. Nagaya phụ trách phát triển phần mềm để đọc mã QR.
Ông Nagaya chia sẻ, khi nhận được lời mời thiết kế, ông đã đồng ý ngay và đặt mục tiêu rất lớn là phải phát triển thành công mới cưới bạn gái về làm vợ. Có thể chính động lực to lớn này đã giúp Nagaya tập trung trí lực tìm ra giải pháp cho mã QR thông minh như vậy.
”
Mỗi lần chuyển hàng, nhân viên làm việc trong nhà máy thường sử dụng máy đọc để rà từng mã code trên sản phẩm. Vào mùa bận rộn, hàng nghìn mã code cần phải quét, gây ra gánh nặng công việc cực lớn.
“Cái khó ló cái khôn”, ông Hara quyết tâm phát triển một mã code mới có thể chứa càng nhiều thông tin, quét càng nhanh càng tốt. Ông nhắm tới các loại mã code 2 chiều được phát triển đầu tiên tại Mỹ. Nếu như mã vạch chỉ có 1 chiều với những đường kẻ dọc song song nhau thì mã 2 chiều gồm nhiều ô nhỏ như dạng ghép mảnh (mosaic) cho phép mã hóa được nhiều thông tin hơn, dù chỉ cần một khoảng không gian nhỏ.
Song, nếu có các ký tự hoặc hình khối nào gần đó thì máy quét không thể nhận dạng được dẫn đến để máy đọc thông tin chính xác sẽ mất rất nhiều thời gian.
Sau một số lần thử nghiệm và bị lỗi, mã QR đầu tiên của ông Hara ra đời. Nếu bạn nhìn kỹ vào từng mã code có thể thấy những ô vuông đen nhỏ nằm ở 3 góc của hình vuông. Đó gọi là mẫu phát hiện vị trí - điểm duy nhất chỉ có ở mã QR.
Hara đã nghĩ ra ý tưởng này khi vô tình nhìn lên cửa sổ tàu, phát hiện một tòa nhà có cửa sổ không khớp với cửa sổ tầng trên.
Nhờ mẫu phát hiện vị trí đó, máy quét có thể nhanh chóng xác định được mã QR và đọc thông tin bên trong. Chính tốc độ phản ứng nhanh chóng này đã khiến Hara đặt tên mã là QR - viết tắt của Quick Respone (phản ứng nhanh).
Ngoài cho phép đọc nhanh, chính xác, mã QR có thể chứa lượng thông tin rất lớn, khoảng 1.800 chữ Hán tiếng Nhật, tương đương cỡ 1 tờ A4. Vì tất cả những ưu điểm trên, chỉ 2 năm sau, mã QR đã được thế giới ứng dụng.
3 bước ngoặt để vươn ra toàn cầu
“Cú huých” thứ nhất là người sáng tạo ra mã QR không đăng ký bản quyền sáng chế. Mục đích của Denso là muốn mã được lan rộng hơn và tăng lợi nhuận từ việc bán máy quét cùng một số thiết bị liên quan.
Bước ngoặt thứ hai là nhờ sự phát triển rộng của điện thoại di động. Năm 2002, Tập đoàn Sharp đã ra mắt một chiếc điện thoại có mã quét QR, thu hút sự chú ý của dư luận khiến nhiều nhà sản xuất khác học theo. Khi gần như người tiêu dùng nào cũng có trong tay một chiếc “máy quét mã QR” di động như vậy, các tập đoàn bắt đầu ứng dụng công nghệ QR nhiều hơn.
Đặc biệt, khi điện thoại thông minh bùng nổ, phạm vi sử dụng QR đã vượt ngoài sức tưởng tượng của Hara và các đồng nghiệp.
Điều khiến ông Hara bất ngờ nhất chính là ở chỗ loại mã này đang được ứng dụng vào thanh toán điện tử.
Nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay (thuộc tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc Alibaba) đã bắt đầu sử dụng mã QR để trao đổi thông tin thanh toán và nhiều thông tin liên quan khác.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mã QR có thể được sử dụng để trao đổi tiền khi phát triển hệ thống này” - “cha đẻ” mã QR chia sẻ.
“Cú huých” cuối cùng là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mã QR đã được ứng dụng trong quá trình truy vết, xây dựng hộ chiếu vaccine… tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới.
Điển hình, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa vào sử dụng công nghệ mã QR vào hệ thống Giấy chứng nhận COVID điện tử của khối từ mùa hè năm 2021.
Sau 15 năm làm việc cùng mã QR, hiện nay, Masahiro Hara đang giữ vị trí Tổng giám đốc Phòng Kỹ thuật 2 - đơn vị cải tiến mã QR của Denso Wave. Trong tương lai, ông Hara hy vọng sẽ kết hợp thêm màu để mã QR có thể chứa được nhiều thông tin dạng hình ảnh, video hơn như dữ liệu và hình ảnh y tế (kết quả điện tâm đồ và hình chụp X-quang…).
Dù là người sáng tạo ra hệ thống quan trọng và góp phần tạo thuận lợi lớn cho người dân Nhật Bản và toàn cầu nhưng ông Hara không mong cầu gì hơn ngoài việc một ngày được trở về làm nông. Bên cạnh sáng tạo thiết bị công nghiệp, ông ấp ủ mong muốn được phát triển thêm nhiều loại hoa quả và rau củ mới tươi ngon hơn nữa. Với một người đầy sáng tạo như ông Hara, mơ ước này có lẽ không quá khó.
Mã QR là một loại mã vạch 2D có thể quét được bằng máy quét và chứa đựng các thông tin của sản phẩm được dán mã.
Mã QR dùng 4 chuẩn mã hóa khác nhau ( Số, văn bản & số, nhị phân, Kanji) nhằm lưu trữ dữ liệu hiệu quả hơn.
Mã QR hiện nay không chỉ dùng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô mà còn được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác. Lý do bởi vì mã QR dễ quét hơn, quét nhanh hơn và mã hóa được nhiều thông tin hơn so với mã UPC (mã vạch truyền thống).
Cho đến thời điểm hiện tại, mã QR được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như: Sử dụng cho các linh kiện điện tử; Sử dụng để mã hóa đường dẫn website; Quản lý nhân dạng; Dùng trong y tế, truy vết phòng chống dịch; Mã truy cập wifi; Mã thanh toán…
Cách phổ biến nhất để đọc mã QR là sử dụng các loại máy quét mã vạch 2D có hỗ trợ định dạng mã QR. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng trên smartphone để quét mã QR thông qua camera của điện thoại.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cha-de-ma-qr-va-giac-mo-lam-nong-dan-d541046.html