'Cha đẻ' phim 'Em bé Hà Nội', 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm' qua đời
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ của loạt phim 'Em bé Hà Nội', 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm'... qua đời ở tuổi 90 vì bệnh tuổi già.
Theo thông tin từ gia đình, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời tối 20/3 tại Bệnh viện Hữu nghị vì bệnh tuổi già.
Vài năm trở lại đây, đạo diễn bị phổi, huyết áp cao... thường xuyên ra vào bệnh viện. Ông hưởng thọ 90 tuổi.
NSND Hà Bắc tiếc nhớ nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ bằng cách đăng lại bức ký họa chân dung ông. Được biết nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ treo bức ký họa này ở đầu giường. Dù không ở mảng phim truyện nhưng NSND Hà Bắc có duyên được gặp gỡ nhà biên kịch "Em bé Hà Nội" ở một số trại viết.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một cây đa, cây đề trong giới nghệ thuật Việt Nam. Từng gặp ông ở trại viết Nha Trang năm 2003 khi ông ở tuổi 70, tôi rất khâm phục cây đa cây đề, một con người đáng quý. Ông là người tài năng nhưng khiêm tốn, nhã nhặn, nhẹ nhàng và sâu lắng. Một người tài năng nhưng khiêm nhường lại càng vĩ đại”, NSND Hà Bắc bày tỏ.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 1/9/1932 trong gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn (nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Anh trai của ông là họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà báo Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh.
Năm 1956, ông làm trưởng phòng văn nghệ Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1959, tác giả phim Em bé Hà Nội được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1961, ông học lớp biên kịch khóa I, Trường Điện ảnh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công làm Trưởng phòng biên tập của Hãng phim Truyện Việt Nam và được bổ nhiệm làm Giám đốc Hãng phim truyện I.
Năm 1980, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1996, "cha đẻ" của phim "Em bé Hà Nội" nghỉ hưu.
Năm 1965, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh lên đường vào chiến trường. Trong một đêm tối ở Cửa Tùng, hai nghệ sĩ được công an giới tuyến giới thiệu với một người phụ nữ là bí thư chi bộ ở bờ Nam sang bờ Bắc (sông Bến Hải) công tác.
Từ câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ này, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã viết thành kịch bản phim lấy tên là "Bão tuyến".
Sau này, đạo diễn Hải Ninh đổi tên kịch bản thành "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh đã mất 5 năm trời để hoàn thành kịch bản phim với nhiều lần đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Năm 1973, tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã giành được giải của Hội đồng Hòa bình thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho NSND Trà Giang.
Sau đó, đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tiếp tục hợp tác trong một bộ phim nổi tiếng khác là "Em bé Hà Nội".
Phim bấm máy mùa hè năm 1973, nửa năm sau trận Điện Biên Phủ trên không, B52 của Mỹ oanh tạc phố phường Hà Nội.
Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà, sau một trận ném bom ác liệt vào mùa đông năm 1972, Ngọc Hà thất lạc gia đình, cô bé đi tìm bố mẹ, em gái giữa khung cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội.
Năm 2012, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm "Trên vĩ tuyến 17" (kịch bản phim truyện), "Biển gọi" (kịch bản phim truyện), "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (biên kịch thứ nhất phim truyện), "Em bé Hà Nội" (biên kịch thứ nhất phim truyện), "Mối tình đầu" (biên kịch thứ nhất phim truyện), "Thành phố lúc rạng đông" (biên kịch thứ nhất phim tài liệu).