Cha Lo - Quảng Bình: Lá chắn vùng biên Tổ quốc
Những ngày gần cuối năm, trong chập chùng sương trắng, những con đường uốn lượn, ngược đường 12A xuyên Á từ ngã ba Khe Ve, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, chúng tôi hành trình lên Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
Vang vọng câu chuyện trầm hùng của non sông
Cổng Trời - Cha Lo gắn liền câu chuyện mặt lịch sử, khu di tích này giúp tái hiện một khúc ca bi tráng về một thời chiến đấu kiên cường của quân dân giải phóng miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Cổng Trời - Cha Lo là điểm huyệt quan trọng của tuyến đường chiến lược 12.
Trong giai đoạn (1965 - 1973), “tọa độ lửa” này là nơi diễn ra các cuộc không kích ác liệt với hàng trăm ngàn tấn bom đạn từ quân Mỹ nhằm chặn đường tiếp vận của quân ta cho miền Nam.
Dưới mưa bom bão đạn, Cổng Trời - Cha Lo vẫn đứng hiên ngang sừng sững để che chắn cho từng đoàn quân, đoàn xe vận tải vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi hòa bình được lập lại, di tích Cổng Trời - Cha Lo đã thay áo mới, vui tươi hơn khi được xây dựng trở thành cửa khẩu quốc tế khang trang. Cha Lo đã trở thành nơi giao thương với các nước bạn, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân.
Chúng tôi đứng dưới Cổng Trời, thắp những nén hương thơm để tri ân những anh hùng đã nằm xuống vì mảnh đất này, nghe lòng vẫn thổn thức... Trong chiến tranh, mỗi bản làng hai bên tuyến đường 12A dẫn đến Cha Lo đều có hàng ngàn bộ đội, thanh niên trú chân để chờ lệnh xuất kích vào miền Nam, hay qua nước bạn Lào chiến đấu. Len lỏi giữa rừng cao, vực sâu để dẫn đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo hôm nay, chúng tôi nghiêng mình nhớ đến công ơn của các anh các chị thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn giữa mưa bom bão đạn chiến tranh, các anh, các chị đã yêu thương và hy sinh xương máu để cho chúng ta hôm nay một con đường huyền thoại.
Hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh qua địa bàn tăng so với cùng kỳ năm 2023 có 33,29 nghìn tờ khai (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023), khối lượng lượng hàng hóa 4,51 triệu tấn (tăng 6%), trị giá hàng hóa 2,077 tỷ USD (tăng 16%, trong đó, kim ngạch có thuế: 591 triệu USD); 224 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh (tăng 29%). Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý vi phạm 98 vụ, số tiền phạt 507,66 triệu đồng trong năm qua.
Chúng tôi nghe trong thanh âm của rừng sâu, của tuyến đường 12 những câu chuyện huyền thoại, để rồi lặng người trước sự hy sinh của các anh, các chị cho Tổ Quốc thân yêu. Hai bên tuyến đường lên cửa khẩu, những trọng điểm bắn phá của giặc năm nào giờ là những bản làng san sát vui tươi. Hàng vạn người đã không quản ngày đêm chịu nhiều hy sinh tổn thất, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Giờ đây, các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm việc, vừa bảo vệ biên cương, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đồng thời tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào nơi biên cương có cuộc sống ngày một tốt hơn.
Hiện nay, thông qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo nối con đường 12A xuyên Á từ Quảng Bình đến tận thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), kết nối một vùng rộng lớn hàng triệu dân với nhiều trung tâm kinh tế lớn của Lào, Thái Lan, Myanmar. Chính vì vậy, những năm gần đây, Cha Lo luôn sôi động, mỗi ngày hàng trăm chiếc xe ôtô chở hàng hóa các loại, nối đuôi nhau từ khu vực biên giới Việt - Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Giữ vững lá chắn an ninh kinh tế nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc
Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mờ sương, Cha Lo tấp nập, rộn ràng những chuyến xe qua lại, với dáng dấp một thị trấn trẻ sôi động, bừng sáng giữa đại ngàn Trường Sơn. Cửa khẩu Cha Lo được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực Phía Tây Quảng Bình. Nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển các ngành dịch vụ như kho bãi, logistics, du lịch, thương mại…
Đây cũng là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và được xác định là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng của quốc gia.
Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo Phan Nhật Trường cho biết, số thu trong 10 tháng năm 2024 đạt 633,3 tỷ đồng, tăng 230% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 275% chỉ tiêu Cục giao (230 tỷ đồng).
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo được định hướng quy hoạch rộng tới 538km2, bao gồm 6 xã là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa của huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Theo định hướng đến năm 2030, thì Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ là một trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình.
Những năm qua, các cơ quan, đơn vị hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực cải cách thủ tục hành chính bảo đảm nhanh, gọn nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, thương mại dịch vụ tại đây.
Với phương châm: "Chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả", Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo luôn bảo đảm nhu cầu thông quan, không để xảy ra tình trạng ứ động hàng hóa, phương tiện và người qua cửa khẩu, tránh gây phiền hà cho các đơn vị và doanh nghiệp. Các mặt công tác được duy trì thường xuyên, đúng tiến độ; thủ tục hải quan được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định, không để xảy ra ách tắc tại cửa khẩu; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, các chất ma túy qua biên giới.
Theo Hải quan Quảng Bình, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Vụ việc vi phạm chủ yếu xảy ra tại khu vực Cửa khẩu Cha Lo với các hành vi vi phạm như: nhập khẩu hàng hóa thực tế không đúng như khai báo, khai sai tên hàng, số lượng đối với hàng quá cảnh... Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép pháo và các chất ma túy diễn biến phức tạp, tăng về số lượng và số vụ, với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Chính vì vậy, đơn vị đã chú trọng, tăng cường làm tốt công tác kiểm soát hải quan, phòng, chống buôn lậu, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vi phạm.
Chiều dần buông, dưới chân núi Giăng Màn, từng đoàn xe xuôi về Cửa khẩu Cha Lo để kịp làm thủ tục thông quan... Chúng tôi còn nhớ trong một phát biểu, Chủ tịch UBND Quảng Bình Trần Thắng cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã đem lại sức bật mới cho địa phương, đặc biệt là các xã nằm dọc theo đường Quốc lộ 12A. Định hướng đến năm 2030, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo là một trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh, những định hướng và hành động quyết liệt của tỉnh Quảng Bình các chủ trương chính sách được hoạch định sẽ đúng như định hướng.
Tin rằng Cha Lo ngày càng phát triển hơn về mọi mặt... "Ơi Cha Lo! Hỡi Cha Lo! Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc, bừng sáng lung linh một vì sao..." Những ngày này, sau trận lũ nắng Cha Lo đẹp lung linh như miền cổ tích, Cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp những chuyến xe qua lại, bản làng Cha Lo khoác lên mình một màu áo mới…/.
Ngày 06/10/2024, tại bãi tập kết hàng hóa nhập khẩu Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, các lực lượng gồm: Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, Biên phòng, Công an đã phá thành công chuyên án lớn tại Cửa khẩu Cha Lo, với tổng khối lượng là 556,6 kg nghi là pháo nổ. Đây là vụ việc có lượng tang vật khá lớn từ trước tới nay.
Cũng trong tháng 10/2024 tại luồng nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, quá trình kiểm tra, soi chiếu hành lý và hàng hóa ký gửi trên xe, phát hiện 2 thùng carton có chứa 20 gói ma túy là cần sa với tổng trọng lượng là 10 kg (chưa giám định) nhận vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam…