Cha mẹ bán con cho thấy sự tuyệt vọng của Afghanistan

Trong một khu định cư ngổn ngang gồm những túp lều bằng gạch bùn ở miền tây Afghanistan, một người phụ nữ đang chiến đấu để cứu lấy đứa con gái vừa bị người chồng bán đi.

Chồng của Aziz Gul đã bán cô gái 10 tuổi mà không nói với vợ để đổi lấy một khoản tiền nhỏ để có thể nuôi gia đình gồm 5 đứa con còn lại của mình. Nếu không có số tiền đó, anh nói với cô, tất cả sẽ chết đói. Anh đã phải hy sinh một đứa để cứu những đứa còn lại.

Qandi Gul, cô bé 10 tuổi đã bị cha mình bán đi, bên cạnh đứa em bé nhất của mình. Ảnh: AP

Bài liên quan

Zamarai Ahmadi - Một người Mỹ 15 năm tận hiến ở Afghanistan

Nạn đói đang hoành hành ở Afghanistan

Các quốc gia OIC cam kết tài trợ để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế Afghanistan

Không quân nhân Mỹ nào bị kỷ luật trong vụ không kích nhầm ở Afghanistan

Nhiều người trong số những người nghèo khổ ngày càng tăng ở Afghanistan đang đưa ra những quyết định tuyệt vọng.

Nền kinh tế của đất nước phụ thuộc vào viện trợ đã đi xuống khi Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8 trong bối cảnh quân đội Mỹ và NATO rút lui trong hỗn loạn. Cộng đồng quốc tế đã đóng băng tài sản của Afghanistan ở nước ngoài và tạm dừng tất cả các nguồn tài trợ, không muốn làm việc với một chính phủ Taliban nổi tiếng về sự tàn bạo trong thời kỳ cai trị từ 20 năm trước.

Điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm tọng cho một đất nước bị tàn phá bởi bốn thập kỷ chiến tranh, hạn hán kinh hoàng và đại dịch Covid-19. Các nhân viên chính phủ đã không được trả lương trong nhiều tháng. Các nhóm viện trợ cho biết hơn một nửa dân số phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Bà Asuntha Charles, giám đốc của tổ chức cứu trợ Tầm nhìn Thế giới ở Afghanistan, điều hành một phòng khám sức khỏe cho những người phải di dời ngay bên ngoài thành phố Herat, cho biết: “Tình hình đang ngày một xấu đi ở đất nước này".

"Hôm nay tôi rất đau lòng khi thấy các gia đình sẵn sàng bán con cái của họ để nuôi các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để cộng đồng nhân đạo đứng lên và ở lại với người dân Afghanistan", bà nói.

Việc dàn xếp hôn nhân cho các cô gái còn rất trẻ là một việc thường xuyên diễn ra trong vùng. Gia đình chú rể, thường là họ hàng xa, trả tiền để ký hợp đồng và đứa trẻ thường ở với cha mẹ ruột của mình cho đến khi cô ấy 15 hoặc 16 tuổi.

Nhưng Aziz Gul đang kháng cự lại. Kết hôn năm 15 tuổi, cô nói rằng cô sẽ tự sát nếu con gái cô, Qandi Gul, bị bắt đi.

Cô nhớ rất rõ khoảnh khắc cô phát hiện ra chồng mình đã bán Qandi. Khoảng hai tháng nay, gia đình đã có thể sinh hoạt tốt hơn. Cuối cùng, cô hỏi chồng mình rằng tiền đến từ đâu, và anh nói với cô mình đã bán con.

“Tim tôi như ngừng đập. Tôi ước gì mình có thể chết vào lúc đó, nhưng có lẽ Chúa không muốn tôi chết ”, cô nói. Qandi ngồi gần mẹ, đôi mắt màu hạt dẻ e thẹn nhìn vào bên dưới chiếc khăn trùm đầu màu xanh da trời. “Mỗi lần nhớ lại đêm đó ... tôi như chết đi sống lại. Thật là khó khăn", cô chia sẻ.

Cô hỏi chồng tại sao anh lại làm vậy.

“Anh ấy nói muốn bán một đứa và cứu những đứa khác. Và tôi nói rằng chết còn tốt hơn nhiều so với những gì mà chồng tôi đã làm", cô nói.

Gul đã nói với anh trai và các già làng rằng chồng cô đã bán con sau lưng cô. Họ ủng hộ cô, và với sự giúp đỡ của họ, cô đã đảm bảo việc "ly hôn" cho con mình, nhưng chỉ với điều kiện cô phải trả lại 100.000 afghanis (khoảng 1.000 USD) mà chồng cô đã nhận được.

Đó là số tiền mà cô ấy không có. Chồng cô đã bỏ trốn, có thể vì sợ Gul có thể tố cáo anh với chính quyền. Chính phủ Taliban gần đây đã công bố lệnh cấm ép buộc phụ nữ kết hôn hoặc sử dụng phụ nữ và trẻ em gái làm tài sản trao đổi để giải quyết tranh chấp.

Gia đình của chú rể tương lai, một người đàn ông khoảng 21 hoặc 22 tuổi, đã nhiều lần cố gắng đòi cô gái, cô nói. Cô không chắc mình có thể kéo dài trong bao lâu.

“Tôi đang rất tuyệt vọng. Nếu tôi không thể cung cấp tiền để trả cho những người này và không thể giữ con gái tôi ở bên, tôi đã nói rằng tôi sẽ tự sát ”, cô nói. “Nhưng sau đó tôi nghĩ về những đứa trẻ khác. Điều gì sẽ xảy ra với chúng? Ai sẽ cho chúng ăn?".

Đứa lớn nhất của cô đã 12 tuổi, còn đứa nhỏ nhất của cô mới chỉ mới hai tháng.

Giờ đây chỉ có một mình, Gul để lại các con với mẹ già trong khi cô đi làm thuê ở nhà người khác. Con trai 12 tuổi của cô ấy làm công việc hái nghệ tây sau giờ học. Việc này chỉ đủ cho chúng ăn và mùa nghệ tây cũng ngắn, chỉ kéo dài vài tuần vào mùa thu.

“Chúng tôi không có gì cả,” Gul nói.

Việc mua trẻ em trai được cho là ít phổ biến hơn trẻ em gái và khi nó diễn ra, thường đó là các bé trai mới sinh được các gia đình không có con trai mua.

Sự tuyệt vọng của hàng triệu người ngày càng rõ ràng khi càng nhiều người phải đối mặt với nạn đói. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, vào cuối năm nay, khoảng 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cha-me-ban-con-cho-thay-su-tuyet-vong-cua-afghanistan-post175397.html