Cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa bệnh viêm gan cấp tính cho trẻ em?
Mặc dù các quan chức y tế không chắc chắn virus Adeno đang gây ra các đợt viêm gan gần đây, nhưng các bậc cha mẹ có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa sự lây truyền, như tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ, đồng thời có chế độ ăn hợp lý giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, chị có 2 con nhỏ 6 tuổi và 10 tuổi, đều trong độ tuổi có nguy cơ cao mắc viêm gan cấp tính. Thời gian qua, thông tin về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng khiến chị cảm thấy thực sự lo lắng.
“Mùa hè là thời điểm dễ lây lan của các bệnh truyền nhiễm, trong khi trẻ học tập, sinh hoạt, ăn uống tập trung nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy tôi thường xuyên phải cho con uống nhiều nước cam, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng”- chị Hoài nói.
Chị cũng chia sẻ, hiện nay nhiều bố mẹ trong group phụ huynh của các con chị đã chia sẻ về việc đưa con đi khám, xét nghiệm để yên tâm hơn, nếu có vấn đề thì phát hiện sớm vẫn hơn. “Quan điểm của tôi là chỉ khi nào trẻ có các dấu hiệu của viêm gan như sốt cao, vàng da, tiêu chảy thì mới cho con đi xét nghiệm. Điều quan trọng vẫn là tăng cường sức đề kháng cho các con”- chị Hoài cho biết.
Theo NBC News, Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu thông tin, thế giới hiện ghi nhận 450 ca bệnh nhi mắc viêm gan cấp tính ko rõ nguyên nhân, nhiều hơn gấp đôi so với cách đây 2 tuần và cao hơn con số 348 ca của Tổ chức Y tế thế giới. Trong số này 90% phải nhập viện và 14% phải cấy ghép gan. Nước Anh ghi nhận nhiều số ca mắc nhất với 160 ca, sau đó là Mỹ với 110 ca. Trong khi đó Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết hơn một nửa số trường hợp là dương tính với Adenovirus (Anh là 72% và 60% tại khắp châu Âu)
Theo WHO, ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do virus viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 1/10/2021 đến nay.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định. Các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được tiến hành.
Dù Việt Nam chưa xuất hiện ca mắc, nhưng theo các chuyên gia y tế bệnh có thể xâm nhập bất cứ khi nào. Bởi hiện nay khi Việt Nam đã mở cửa giao thương trở lại, bên cạnh đó thời tiết vào hè, các dịch bệnh, virus sẽ có điều kiện phát triển.
Trước những lo lắng của các bậc cha mẹ nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta, BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các phụ huynh cũng không cần lo lắng thái quá. Việc vội vã tự ý cho trẻ đi xét nghiệm men gan có thể sẽ không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của con.
Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, việc làm các xét nghiệm men gan cũng như chức năng gan một cách đồng loạt và đồng bộ là không cần thiết.
Các chuyên gia nêu rõ, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được nhận chỉ định phù hợp nhất. Trong trường hợp buộc phải xét nghiệm và được bác sĩ chỉ định, việc làm này cần thực hiện ở cơ sở y tế có độ tin cậy về xét nghiệm cao, qua đó cho kết quả chính xác.
Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại nước ta và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân (theo định nghĩa ca bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới); Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn phụ trách để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.
Cha mẹ có thể làm gì?
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền cho rằng, việc vừa phải trải qua đại dịch Covid-19 cũng đã tạo cho chúng ta những thói quen rất tốt như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên,... Những hành động này có thể phòng được các bệnh liên quan cả đường hô hấp và tiêu hóa.
“Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ theo chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, đồng thời có chế độ ăn hợp lý, duy trì vận động thể chất ngoài trời, từ đó nâng cao hệ thống miễn dịch”- BS Huyền cho biết.
Cũng theo NBC News, mặc dù các quan chức y tế không chắc chắn virus Adeno đang gây ra các đợt viêm gan gần đây, nhưng các bậc cha mẹ có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa sự lây truyền. Adenovirus lây lan từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp hoặc qua việc chạm vào các bề mặt có adenovirus bám vào. Trẻ em nên được khuyến khích rửa tay thường xuyên và hạn chế tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi và miệng. Đây đều là những biện pháp từng tự giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.
Cha mẹ cũng nên nhớ rằng cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) không phải là lời kêu gọi hành động hay báo động. Nguy cơ tổng thể của một đứa trẻ khỏe mạnh khác đột nhiên phát triển bệnh viêm gan nặng vẫn cực kỳ thấp. Các quan chức y tế chỉ muốn cảnh báo cho các bác sĩ nhi khoa và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe rằng họ nên tầm soát Adenovirus khi tiếp nhận trẻ nghi viêm gan cấp tính.
Phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào loại viêm gan mà trẻ mắc phải. Đối với một số loại viêm gan do virus, có những loại thuốc có thể ngăn chặn hoặc loại bỏ virus. Nhưng đối với phần lớn các trường hợp - như khi trẻ bị viêm gan và Adenovirus - các bác sĩ sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa hoặc quản lý các biến chứng. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng như hôn mê, đau hoặc thay đổi màu da hoặc mắt, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa để được đánh giá ngay lập tức./.