Tăng cường phòng, chống dịch sởi lây lan
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu nam bệnh nhân (56 tuổi, ở Hà Tĩnh) bị biến chứng nặng do mắc sởi. Bệnh khởi phát với triệu chứng đau đầu, mệt mỏi và xung huyết vùng kết mạc mắt.
Bệnh "tấn công" cả người lớn, tiến triển nhanh
Bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau về uống trong 6 ngày nhưng vẫn đau đầu, sốt cao, khó thở, xung huyết mắt, nổi ban đỏ lan rộng khắp vùng đầu, mặt, cổ, ngực. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng và chuyển biến nặng suy hô hấp sau một ngày nhập viện, được can thiệp cho thở ôxy lưu lượng cao với chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn. Cùng với biến chứng viêm phổi do virus sởi gây ra, biểu hiện nhiễm trùng cũng có xu hướng tăng.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết người lớn ít khi mắc bệnh sởi và biến chứng nặng. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền và bệnh suy giảm miễn dịch; điều trị hóa chất, ung thư… Tương tự như trẻ em, hiện bệnh sởi ở người lớn điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng. Khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân được khuyến cáo đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị đồng thời tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Thách thức tiêm chủng, nguy cơ lan rộng
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Nguy cơ mắc bệnh sởi và tỉ lệ lây nhiễm cao, gấp khoảng 18 lần so với bình thường.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm. Hiện tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh sởi khi tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%. Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Tại TP HCM, Sở Y tế cho biết số ca bệnh sởi từ các tỉnh khác đến khám và điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng. Tại 3 bệnh viện nhi (Nhi Đồng 1, 2, Thành phố) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ghi nhận số bệnh nhân gia tăng 44% so với trung bình 4 tuần trước, với 366 ca, trong đó có 229 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiếp nhận 2.565 ca mắc sởi từ các tỉnh khác, trong đó 1.931 ca nội trú và 1 trường hợp tử vong. Sở Y tế nhận định do di biến động dân cư và bỏ sót trẻ chưa tiêm vắc-xin tại trường học. Đây là 2 trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng số ca mắc sởi.
Trước diễn biến gia tăng số ca mắc sởi, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tiến hành khảo sát 51 trẻ từ 1-10 tuổi mắc sởi trong tuần 44 (từ 28-10 đến 3-11). Kết quả cho thấy 32 trẻ (64%) chưa được tiêm vắc-xin sởi trước khi mắc bệnh. Nhiều lý do được đưa ra cho việc trẻ không được tiêm, như cha mẹ đi làm xa, trẻ sống với ông bà, thay đổi nơi ở thường xuyên hoặc trẻ thường xuyên bị bệnh. Đặc biệt, có 14 trẻ (27%) dù đã được mời tiêm nhiều lần nhưng vẫn không được tiêm, mặc dù không có chống chỉ định y tế. Trong quá trình điều tra, HCDC cũng phát hiện tình trạng một số trường học không tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho học sinh hoặc bỏ sót trẻ cần tiêm. Cụ thể, có 2 trường hoàn toàn chưa tổ chức chiến dịch tiêm tại trường và 15 trường đã báo cáo hoàn thành chiến dịch tiêm nhưng vẫn phát hiện trẻ mắc sởi.
Mặc dù tỉ lệ tiêm chủng được báo cáo rất cao nhưng thực tế mỗi tuần vẫn có những ca bệnh mới trong độ tuổi tiêm chủng. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy có 17% trẻ mắc sởi từ 1-5 tuổi (6/35) có địa chỉ khai báo trên hệ thống tiêm chủng thuộc các tỉnh khác và 23% trẻ (8/35) không có tên trên hệ thống. Việc không khớp giữa địa chỉ khai báo và địa chỉ thực tế hoặc việc trẻ không có tên trong hệ thống quản lý tiêm chủng đã dẫn đến việc các trạm y tế phường, xã không quản lý được và mời trẻ đi tiêm. Đây là một thách thức lớn đối với công tác quản lý tiêm chủng tại TP HCM.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các trung tâm y tế phối hợp với phòng giáo dục địa phương rà soát lại tiến độ tiêm vắc-xin sởi tại các trường học. Đồng thời, cần duy trì việc cập nhật thông tin về trẻ di biến động và tăng cường vai trò của các ban ngành, đoàn thể và cộng tác viên y tế trong việc quản lý và không bỏ sót trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Song song với việc tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 1-10 tuổi, ngành y tế thành phố cũng đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin sởi cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng sởi để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cộng đồng.
Chủ động kiểm soát
Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng, chống. Yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Giao chủ tịch UBND các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát. Khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi…
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-soi-lay-lan-196241115203502882.htm