Cha mẹ cần phải biết con đang xem gì trên mạng
Cha mẹ cần phải quan tâm đến con cái, đồng hành cùng con, biết con đang xem nội dung gì trên mạng xã hội.
Nhận định trên được ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, khi tiến hành trao đổi với PV VietNamNet về tình trạng hiện nay nhiều cha mẹ đang xem điện thoại, mạng xã hội như là “bảo mẫu” của con mình.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, hiện nay, có những nhóm chuyên làm nội dung dành cho trẻ em trên mạng, các nội dung này được lồng ghép âm thanh, hình ảnh, lời thoại, kỹ xảo rất bắt mắt. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nội dung này không khai thác các hình ảnh mang tính giáo dục theo hướng chân thiện mỹ, không có định hướng giáo dục phổ quát cho cộng đồng, giúp trẻ phát triển có văn hóa, biết yêu thương người xung quanh, mà ngược lại đi theo hướng bạo lực, khai thác các hoạt động mang tính chất cá nhân, có nhiều chiêu trò để thu hút trẻ, làm cho trẻ bị “nghiện”.
Các bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm đến các nội dung lắm chiêu trò tiêu cực, rất có hại cho trẻ, nên cứ nghĩ giao cho trẻ điện thoại là trẻ ở nhà, trẻ không làm phiền, không đi chơi … thì cha mẹ yên tâm.
Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho rằng, chính các nội dung tiêu cực như trên kéo dài từ năm này theo năm khác, khiến trẻ em khi xem liền học làm theo, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hành vi của các em. Ông cho biết đã gặp nhiều trường hợp, các em “nghiện” điện thoại, nghiện mạng xã hội, khiến tâm lý luôn cáu gắt, các bé chỉ luôn đòi hỏi cho bản thân mà không nghĩ đến cha mẹ, ông bà… Đây là một nguy hại rất lớn, có thể kiến cho những em này sống chỉ biết cá nhân, không biết cộng đồng xung quanh mình.
Chính vì thế, theo ông Võ Đỗ Thắng, cha mẹ cần phải quan tâm đến con cái, đồng hành cùng con, biết con đang xem nội dung gì trên mạng. Và cha mẹ cũng nên có những hạn chế, không để các em “nghiện“ điện thoại. Vì hiện nay, trong giờ học tại trường các em có thầy cô giám sát, có quy định không được sử dụng điện thoại trong trường, còn khi ở nhà không thể nào cấm hoàn toàn các em sử dụng điện thoại, nên một trong những cách có hiệu quả là đồng hành cùng con trẻ, thỏa thuận với con trẻ, cho dùng điện thoại trong khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như tối đa 30 phút rồi nghỉ 2h sau đó mới cho sử dụng điện thoại tiếp 30 phút, rồi nghỉ tiếp 2h.