Cha mẹ cần… thôi lo cho con

Làm cha mẹ là đã bắt đầu gắn chữ lo lên đời mình rồi. Là chưa kể những nỗi lo thường trực như mưu sinh, tiền bạc, công việc, sự nghiệp.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến cả hôn nhân của mình cũng có quá nhiều nỗi âu lo. Nếu ngồi liệt kê ra hẳn ai cũng có cả một danh sách nỗi lo dài thượt. Có thể gác lại âu lo nào chứ lo cho con cái thì khó mà gác lại được.

Nhưng cha mẹ ơi, thử gác lại âu lo vài hôm được không? Bởi lo lắng của chúng ta lại thành áp lực lên con cái đấy. Lo lắng sinh ra bất an. Mà bất an sẽ lây lan khủng khiếp.

Tôi từng tham gia khá nhiều cuộc tọa đàm mà ở đó, con cái nói rằng: Lẽ ra con không căng thẳng đến mức đó, áp lực đến mức đó. Nhưng con thấy ba mẹ con lo lắng quá khiến con căng thẳng hơn, áp lực hơn. Càng thương cha mẹ, lũ trẻ càng có xu hướng tự tạo áp lực cho bản thân.

Trước kỳ thi, con gái út tôi lo lắng lắm. Nhưng là lo kết quả kỳ thi khiến bố mẹ buồn. Dù vợ chồng tôi luôn nói rằng kết quả không quan trọng với bố mẹ. Nhưng như một báo đáp từ lòng yêu bố, yêu mẹ, cô bé biến nó thành động lực của mình.

Thành công là khoe ngay với bố mẹ. Thất bại là cảm thấy phụ lòng bố mẹ. Tôi đã rất cố gắng tách rời việc đó ra khỏi con mình bằng việc… mặc kệ con.

Biến việc học hành của con thành trách nhiệm của con. Bố mẹ chỉ là người hỗ trợ, trợ giúp khi con lên tiếng. Thất bại hay thành công vẫn tổ chức ăn uống chúc mừng như nhau.

Cùng con vượt qua kỳ thi, cha mẹ cần làm là hãy trở thành chỗ dựa cho các con. Để những lo lắng của các con, những bất an, những sợ hãi, những áp lực, những hồi hộp… chỉ cần nhìn về phía bố mẹ là các con thấy được giải tỏa.

Hãy cười nhiều hơn, hãy giúp con bật cười. Khi các con cười được thì mọi khúc mắc trong lòng cũng sẽ theo đó mà tiêu tan. Là vững tin khi có cha mẹ. Biến việc đưa con đi thi là một chuyến đi vui vẻ thay vì nhắc đủ thứ, trách con quên nhớ, dặn dò đủ chuyện hay kể cả những tào lao kiểu: Con gái bố, con trai bố làm tốt mà, bố tin ở con.

Có khi những câu nói đó càng khiến con thấy nặng nề hơn. Hãy cứ nói những chuyện vui thôi. Kiểu ngày xưa bố cũng được ông bà nội đưa đi thi thế này hay nhìn những nhà người khác kìa, hạnh phúc nhờ… Là những thư giãn nhẹ nhàng kéo con ra khỏi nỗi lo. Bên cạnh đó, hãy giúp con chuẩn bị thật tốt.

Con thi xong cũng vậy. Đừng hỏi con làm bài tốt không? Hãy hỏi con tâm trạng của con thế nào? Nếu là tốt lắm bố mẹ ạ thì hãy bàn về việc thi. Bằng con bảo: Chả tốt. Rất tệ. Thì hãy bảo con, nó đã xong rồi, ta hãy chỉ cần nghĩ về trận đấu tới thôi.

Đừng phân tích rút kinh nghiệm làm gì. Cái đó để sau đi. Tiêu hóa một nỗi buồn cũng cần thời gian chứ không phải ngay lập tức. Hướng về tương lai cũng chính là cách để tiêu hóa nỗi buồn đã xảy ra vì chúng ta không có cách nào sửa lại được.

Qua từng trận đấu thay vì nghĩ về cả cuộc chiến. Kể cả thất bại liên tiếp cũng không phải trời đã sụp xuống, nhớ giùm nhé các cha mẹ ơi!

Chúng ta luôn phải trở thành người đưa giải pháp chứ không phải là người phân tích trận đấu và càng không phải "Bố nói con chả nghe cơ" hay "Mẹ biết ngay mà, con là hay sai vậy lắm". Đừng tạo ra thêm áp lực khi con đang có tâm trạng tồi tệ.

Kết thúc những ngày thi, hãy lên đường. Không đi chơi xa thì một bữa ăn uống tại nhà cũng vui. Bên cạnh đó, hãy tìm giải pháp. Nếu con không đạt, chúng ta cần làm gì, đợi sau khi có kết quả thì bàn với con. Hãy biến khoảng thời gian từ khi thi xong đến khi có kết quả thành chuỗi ngày vô lo.

Hoàng Anh Tú

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cha-me-can-thoi-lo-cho-con-20250107165414873.htm