Cha mẹ càng nóng ruột, con càng nguy hiểm!

Trong tuần qua số ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em tăng cao, nhất là các cháu trong lứa tuổi đi học. Vì sợ con mình nguy hiểm, có nhiều gia đình đã đưa các cháu đi bệnh viện khám bệnh, thậm chí đưa lên tuyến trên khám, khiến cho bệnh viện tuyến trên tăng đột biến số lượng trẻ em đi khám, có bệnh viện khám xuyên đêm mới giải quyết hết bệnh nhân.

Chị Lê Ngọc T., nhà ở xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đưa đứa con trai 5 tuổi bị sốt vào bệnh viện khám. Trong lúc ngồi chờ khám, chờ đợi lâu mới đến lượt mình, cháu kêu lạnh, nên chị T. ôm chặt cháu vào lòng, còn quấn thêm cái khăn tắm. Bỗng nhiên cháu co gồng hai tay, chân duỗi thẳng, mắt trợn ngược, giật từng cơn.

Chị T. cầu cứu bác sĩ. Bác sĩ bước ra, nhanh chóng cởi hết khăn và quần áo của bé, rồi đưa bé vào phòng cấp cứu để xử trí. Sau khi bé hết co giật, chị T. bình tĩnh lại kể, cả nhà mắc Covid-19. Chị đưa bé đi khám ở một cơ sở y tế quen, bác sĩ chẩn đoán là nhiễm Covid-19 nhẹ, cho bé thuốc hạ sốt và thuốc bổ, dặn ở nhà theo dõi. Nhưng uống thuốc hạ sốt được vài giờ thì bé sốt lại, nóng ruột nên đưa bé đi bệnh viện khám. Không ngờ lúc chờ đợi, bé bị sốt cao co giật.

Bác sĩ trấn an chị T.: “Hiện nay phần lớn trẻ em mắc Covid-19 nhẹ, nên chủ yếu điều trị và theo dõi tại nhà. Khi nào có dấu hiệu nặng mới vào bệnh viện”.

Về chuyên môn, trẻ mắc Covid-19 nhẹ là trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ như không khó thở, không suy hô hấp, đo nồng độ oxy trong máu trên 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi. Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Khi trẻ là F0, gia đình cần chuẩn bị một phòng cách ly riêng, đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi, chuẩn bị một số thuốc cho trẻ như thuốc hạ sốt, siro ho thảo dược, nước muối sinh lý để nhỏ mũi, súc miệng cho trẻ, mua một máy đo nồng độ oxy trong máu...

Trong quá trình theo dõi, nếu thấy trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hạ, li bì, không chịu chơi, bị nôn, bú kém, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực... phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời. Người dân cũng chú ý các bé có bệnh nền như suyễn, đái tháo đường, động kinh, béo phì... khi mắc Covid-19, cha mẹ nên tranh thủ đưa bé đi khám sớm hơn.

Khi ở nhà, người dân lo lắng nhất là bé sốt cao, uống thuốc hạ vài giờ là sốt lại. Thật sự triệu chứng sốt khi mắc Covid-19 giống như các loại sốt do nhiễm siêu vi trước đây mà nhiều người đã gặp, may mắn là sốt do Covid-19 chỉ kéo dài không quá 48 giờ, khi hết sốt là khỏe luôn. Nó khác hoàn toàn với sốt siêu vi khác như sốt xuất huyết hay tay chân miệng, thường sốt trên hai ngày và khi hạ sốt thì có thể là bệnh đang chuyển sang giai đoạn nặng.

Hiện nay trẻ mắc Covid-19 phần lớn là mắc biến chủng Omicron. Biến chủng này chủ yếu khu trú và gây bệnh ở đường hô hấp trên nên bé ít chuyển sang viêm phổi nặng. Người dân cần bình tĩnh theo dõi và chăm sóc bé tại nhà, khi thật sự cần thiết mới đưa đi bệnh viện.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202203/cha-me-cang-nong-ruot-con-cang-nguy-hiem-946244/