Cha mẹ có phải tạm ứng viện phí để con được cấp cứu?

Theo luật sư, nếu con nguy kịch và cha mẹ không thể có mặt, quyết định phẫu thuật thuộc về lãnh đạo bệnh viện. Cha mẹ không bắt buộc phải tạm ứng viện phí.

Thời gian qua, nhiều phụ huynh trên địa bàn TP.HCM tố bị lừa tiền khi nhận được thông báo "con đang cấp cứu". Nạn nhân nhận cuộc gọi từ số máy lạ thông báo về việc con bị tai nạn, trong tình trạng nguy kịch và phải phẫu thuật gấp. Kẻ xấu yêu cầu phụ huynh ứng trước viện phí và ủy quyền để người khác ký giấy cho con được phẫu thuật.

Vậy trong trường hợp nạn nhân bị tai nạn, cha mẹ có buộc phải ứng trước viện phí và ủy quyền cho người khác ký giấy đồng ý phẫu thuật không? Ngoài cha mẹ hoặc người giám hộ, ai được quyền quyết định về việc phẫu thuật của bệnh nhân?

Ai được quyền quyết định phẫu thuật khi cấp cứu?

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã quy định rõ ràng về quyền được ký giấy đồng ý để bác sĩ tiến hành phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo và có thể tự quyết định thì quyền quyết định thuộc về bệnh nhân. Đây là quyền nhân thân của người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh hoặc bất kỳ ai đều không có quyền can thiệp khác. Theo Điều 10 Luật này, bệnh nhân sẽ được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị.

Người bệnh có quyền chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh và được lựa chọn người đại diện để thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám bệnh, chữa bệnh.

 Một người bị tai nạn giao thông được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm muộn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Một người bị tai nạn giao thông được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm muộn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trường hợp bệnh nhân hôn mê, mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện của người bệnh hoặc bác sĩ điều trị sẽ được phép quyết định việc điều trị. Điều 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc là người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi, người đại diện hợp pháp của người bệnh sẽ quyết định việc khám, chữa bệnh.

Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

Về người giám hộ, Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nếu vợ hoặc chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại được coi là người giám hộ. Nếu cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì con cả là người giám hộ. Nếu con cả không có đủ điều kiện thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ.

Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con, hoặc vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Từ những căn cứ này, luật sư Tiền cho biết quyền quyết định phẫu thuật trước tiên thuộc về nạn nhân. Trường hợp nạn nhân không có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc hôn mê, mất năng lực hành vi dân sự tạm thời thì quyền quyết định thuộc về người đại diện theo pháp luật của nạn nhân.

Trong tình trạng nguy kịch và không có sự có mặt của người đại diện theo pháp luật của người bệnh, quyền quyết định sẽ thuộc về người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh.

Bố mẹ có được ủy quyền cho người khác?

Bình luận về việc ủy quyền đối với người giám hộ, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, cho biết bản chất quyền được bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của một cá nhân là một trong các quyền nhân thân được quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, đối với quyền nhân thân thì không thể thực hiện ủy quyền cho người khác.

Nếu bệnh nhân dưới 18 tuổi, việc thực hiện ký kết các giấy tờ thuộc về quyền của bố mẹ hoặc người giám hộ. Luật sư khẳng định không thể ủy quyền ký giấy tờ phẫu thuật bằng cách tạm chuyển giao quyền giám hộ cho người khác.

 Nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi từ số lạ, yêu cầu phải tạm ứng viện phí và ủy quyền ký giấy phẫu thuật cho con. Ảnh minh họa: Phúc Thịnh.

Nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi từ số lạ, yêu cầu phải tạm ứng viện phí và ủy quyền ký giấy phẫu thuật cho con. Ảnh minh họa: Phúc Thịnh.

Trích dẫn Điều 60 Bộ luật Dân sự 2015, ông Long cho biết việc chuyển quyền để người khác ký chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đăng ký thay đổi người giám hộ. Người giám hộ mới phải thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 52, 53 Bộ luật Dân sự, tức là chuyển giao cho anh/chị ruột trên 18 tuổi, ông/bà nội/ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu ruột chứ không chuyển giao cho người không thuộc trường hợp trên.

Việc chuyển giao cũng phải được thực hiện theo thủ tục chuyển giao người giám hộ tại Điều 61 Bộ luật này và phải được lập thành văn bản. Trường hợp những người đủ điều kiện giám hộ không còn hoặc không thể đảm nhiệm, tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.

Về việc phụ huynh phải ứng trước viện phí, luật sư cho biết theo các Điều 6 và 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, bác sĩ không được phép từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu bệnh viện. Nhân viên y tế phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp phía người bệnh từ chối.

"Trách nhiệm của bác sĩ là cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân, không vì bất kỳ lý do gì mà từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh. Kể cả người bệnh đang trong tình trạng nguy cấp mà chưa được đóng tạm ứng viện phí thì bệnh viện vẫn phải cấp cứu cho bệnh nhân để đảm bảo tính mạng cho họ, nếu không sẽ vi phạm điều cấm của luật", luật sư Long cho biết.

Ông Long khuyến cáo các phụ huynh nếu nhận được cuộc gọi như trên, cần bình tĩnh, đưa ra phán đoán chính xác nhất, tránh bị kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-me-co-phai-tam-ung-vien-phi-de-con-duoc-cap-cuu-post1410419.html