Cha mẹ không đặt tên cho con quá dài, khó sử dụng

Từ ngày 16.7, việc xác định họ, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật, giữ gìn bản sắc dân tộc, không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Theo đó, việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Bên cạnh đó, trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

Đáng chú ý, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối giải quyết trong trường hợp yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng quy định trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16.7.2020, làm hết hiệu lực Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/van-ban-moi/cha-me-khong-dat-ten-cho-con-qua-dai-kho-su-dung-141032