Cha mẹ là tấm gương giúp trẻ chấp hành luật lệ giao thông

Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em có giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Bên cạnh các nguyên nhân gây ra tình trạng này như trẻ em là đối tượng thụ động, thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý an toàn khi tham gia giao thông… thì không thể không nhắc đến vai trò của người lớn, phụ huynh trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, để làm gương cho con em mình.

Cha mẹ là tấm gương giúp trẻ chấp hành luật lệ giao thông. (Nguồn: Bộ GTVT).

Cha mẹ là tấm gương giúp trẻ chấp hành luật lệ giao thông. (Nguồn: Bộ GTVT).

Bảo đảm an toàn giao thông trong năm học mới

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc những áp lực thời gian khi các phụ huynh vừa phải đưa con đến lớp, vừa đến công sở cho đúng giờ, từ đó gia tăng các hành vi vi phạm an toàn giao thông.

Theo thống kê của ngành Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 4.000 trẻ em bị thương, 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (chiếm 24 đến 26% số trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích); tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, trong đó gần 50% số trường hợp bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.

Trao đổi với báo chí, anh LVH (Hà Nội) day dứt mãi trước câu nói của bác sĩ về ca tai nạn giao thông của con trai anh: “Nếu cháu được đội mũ bảo hiểm thì chấn thương sẽ nhẹ hơn rất nhiều”. Theo anh LVH, hôm đó, do nhà gần trường nên anh chủ quan, không nhắc con trai học lớp 4 đội mũ bảo hiểm khi đưa con đi học. Đã vậy, trên đường đến chỗ học, anh còn vượt đèn đỏ dẫn tới va chạm giao thông. Vụ tai nạn khiến con trai anh phải nhập viện điều trị chấn thương ở đầu cùng nhiều thương tích phần mềm. Các bác sĩ cho biết, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng con trai anh H sẽ mất nhiều thời gian để bình phục.

Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, công tác bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên được chính quyền TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, việc nâng cao ý thức của phụ huynh cũng rất được chú trọng bởi đây cũng là góp phần xây dựng nhận thức về văn hóa giao thông cho lứa tuổi học sinh từ gương của cha mẹ.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm giao thông, đồng thời xây dựng thói quen cho phụ huynh cũng như làm gương cho các em học sinh, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Thủ đô đã triển khai nhiệm vụ từ những ngày đầu năm học.

Đơn cử từ ngày 4/9, tại cổng Trường THCS Tô Hoàng quận Hai Bà Trưng, Tổ công tác Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đã xử lý hơn 10 trường hợp phụ huynh và học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các lỗi mà phụ huynh vi phạm chủ yếu là chở con đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm. Qua thực tế xử phạt cho thấy, đa số người dân chấp hành Luật Giao thông, nhưng vẫn còn số ít phụ huynh chưa gương mẫu; cố tình quay đầu xe bỏ chạy khi thấy CSGT…

Hãy để con “soi” vào tấm gương cha mẹ

Quay lại với câu chuyện của anh LVH, khi chia sẻ câu chuyện của mình, anh hy vọng các bậc cha mẹ sẽ chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là luôn ý thức đội mũ bảo hiểm cho con trẻ, bởi nguy cơ xảy ra tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ở khía cạnh khác, việc cha mẹ chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông không chỉ giúp các con sau này trở thành những công dân biết tuân thủ pháp luật, mà hơn hết còn là để bảo đảm an toàn cho chính mình.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Công văn số 4857 về việc tuyên truyền, vận động các cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông được thực hiện nghiêm túc ngay thềm năm học mới. Bên cạnh nhà trường, lực lượng CSGT thì cha mẹ cần làm gương cho trẻ trong việc chấp hành luật lệ giao thông, theo đúng tinh thần của Công văn số 4857: “Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vào đầu năm học 2024 - 2025”.

Trả lời phỏng vấn, Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương bày tỏ lo ngại về việc hiện nay nhiều bậc phụ huynh thay vì giáo dục con ý thức chấp hành, có những người lại “kéo” con vào vi phạm, dẫu biết điều đó không được phép. Tình trạng phụ huynh chở con đi học không chấp hành quy định an toàn giao thông cũng diễn ra phổ biến, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm. Những hành động đó được cho là có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức của trẻ, trong bối cảnh cha mẹ là tấm gương gần gũi nhất để giúp trẻ chấp hành luật lệ giao thông.

Từ góc nhìn giáo dục và văn hóa có thể nói, để những bài học về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông mà học sinh được học trong nhà trường được phát huy hiệu quả thì không có gì tốt hơn là hãy để các em được “soi” vào tấm gương của chính cha mẹ mình.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cha-me-la-tam-guong-giup-tre-chap-hanh-luat-le-giao-thong-post524493.html