Cha mẹ luôn mong muốn điều tốt nhưng có đang yêu con sai cách?
Những đứa trẻ thường trách cha mẹ sao không hiểu chúng. Người lớn thì luôn than phiền trẻ quá ương bướng và bồng bột. Nhưng cả hai quên mất mình đều phải học cách bao dung.
Đó là những dòng cuối cùng cha mẹ của Kriti Tripathi ở Ấn Độ, đọc được trong thư tuyệt mệnh mà con gái để lại. Ngày 28/4/2016, cô bé quyết định giã từ cuộc đời vào năm 17 tuổi, khiến người thân, bạn bè bàng hoàng.
Theo Hindustan Times, điểm số ở trường của Kriti Tripathi rất xuất sắc. Em đạt 144 điểm trong JEE Main năm 2016 - kỳ thi đầu vào toàn quốc tại Ấn Độ cho các sĩ tử muốn học đại học ngành kỹ thuật. Con số này thậm chí cao hơn 44 điểm so với mức trung bình (100 điểm).
Cha mẹ em không biết nguyên nhân con quyết định tự tử, cho đến khi họ đọc được lá thư tuyệt mệnh dài 5 trang giấy, chứa đầy nỗi buồn và sự tuyệt vọng.
Những đứa trẻ cô đơn buộc mình phải lớn
“Không phải vì điểm số kém ở JEE Mains. Nhưng tôi bắt đầu ghét bản thân mình đến mức muốn tự tử. Con xin lỗi. Tất thảy ồn ào trong đầu con và sự căm ghét trong lòng, căm ghét chính bản thân mình, đang trở nên điên cuồng. Đa số mọi người xung quanh sẽ nghĩ tôi chẳng bao giờ tự sát và chẳng có lý do gì để làm thế. Nhưng họ không biết điều gì đang xảy ra bên trong tôi…”, Kriti viết.
Cô bé 17 tuổi đã lên kế hoạch tự tử vào ngày 22/4/2016 nhưng người bạn ngăn cản. Cuối cùng, điều buồn nhất cũng đã xảy ra. Trong bức thư để lại, Kriti chỉ có sự trách móc bản thân và cô đơn cùng cực: “Ngay cả những người thân thiết cũng không biết toàn bộ câu chuyện của đời tôi. Tôi có thói quen giữ nó cho riêng mình”.
Kriti từng rất mạnh mẽ. Cô bé đã giúp nhiều người thoát khỏi căn bệnh trầm cảm và muốn tự tử. Nhưng cuối cùng, bản thân em lại rơi vào bế tắc. “Thật buồn cười, khi tôi chẳng thể làm điều đó với chính mình”, nữ sinh viết.
Năm 2014, Kriti chuyển từ Ghaziabad đến Kota, Rajasthan, Ấn Độ và sống với cha mẹ tại một căn hộ cho thuê ở khu Indira Vihar. Cảm giác cô đơn luôn bao vây cô bé bởi bị ép phải làm điều mình không thích. Kriti luôn muốn trở thành nhà khoa học, đã giành giải thưởng của NASA nhưng buộc phải theo ngành kỹ thuật.
Nữ sinh tâm sự bản thân làm điều đó vì mẹ: “Lúc nhỏ, tôi đã buộc phải thích khoa học, tôi chọn nó vì muốn làm mẹ hạnh phúc. Tôi thích vật lý thiên văn, vật lý lượng tử và sẽ thi lấy bằng cử nhân… Tôi vẫn thích viết lách, tiếng Anh, lịch sử… các môn học đó khiến tôi phấn chấn trong thời kỳ đen tối nhất”.
Ngay trong những lời cuối cùng để lại cho cuộc đời, Kriti không quên nhắc mẹ đừng làm điều tương tự với em gái đang học lớp 11, “em ấy xứng đáng được khám phá và làm bất kỳ điều gì mình yêu thích. Chỉ những gì bạn yêu thích mới mang lại hạnh phúc và đó là điều duy nhất bạn có thể làm nó xuất sắc”.
Khi nhắc đến cha, Kriti tâm sự đó là “người tốt nhất”. Ông đã dành nhiều thời gian để ở bên Kriti, cô bé trân trọng điều đó và không quên nhắc cha đừng uống rượu vì đau buồn.
Trong 5 trang thư tuyệt mệnh, chúng ta chỉ thấy nỗi buồn chất chứa và cảm giác cô độc của đứa trẻ 17 tuổi. Em không có ai để chia sẻ, bố đã dành thời gian quan tâm nhưng với Kriti điều đó chưa đủ để em có lý do tiếp tục tồn tại.
Cảm giác tuyệt vọng và không tìm được người hiểu mình cũng đã xuất hiện trong bức thư mà Mark Andrew Charles, sinh viên của Học viện Công nghệ Ấn Độ để lại trước khi treo cổ tại phòng trọ vào tháng 7/2019.
Nam sinh 20 tuổi đang theo học thạc sĩ Thiết kế và vừa hoàn thành kỳ thi cuối năm cách đó vài ngày. Chỉ ít ngày nữa, cậu sẽ bảo vệ luận văn. Nhưng áp lực quá lớn từ học tập đã khiến nam sinh lựa chọn bỏ lại tất cả ở phía sau.
Lá thư trong nhật ký chỉ toàn những lời xin lỗi và cảm giác bản thân là người thất bại: “Tôi không thể đạt điểm cao và không có tương lai, có lẽ là người thất bại nhất thế giới”.
Mark Andrew Charles kể về một vài người thân, bạn bè, dành cho họ lời chia tay cuối cùng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm cho tất cả thất vọng. Đừng tiếc nuối tôi, vì không xứng đáng. Chỉ cần biết là tôi yêu tất cả như cách các bạn đã đối xử với tôi, vì đó là những gì bạn bè đối xử với nhau, phải không? Cảm ơn ba mẹ vì đã là những ông bố bà mẹ tuyệt vời nhất. Con xin lỗi vì hóa ra con chỉ là người lãng phí…”.
Theo cảnh sát, lo lắng, trầm cảm có thể là lý do khiến Mark Andrew Charles tự tử. Nhưng lý do là gì thì Mark cũng đã có khoảng thời gian cô đơn, lạc lõng, mất định hướng. Cậu lựa chọn cách dại dột nhất vì chẳng thể tìm thấy lý do tồn tại.
Năm 2020, một nghiên cứu sinh của Đại học Công nghệ Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc, đăng lá thư tuyệt mệnh lên Weibo trước khi tự kết liễu cuộc đời. Anh chia sẻ cảm giác “tuyệt vọng về nghiên cứu đang làm và sự hỗ trợ ít ỏi từ thầy hướng dẫn”.
“Trong buổi trao đổi, thầy đã xem dữ liệu nghiên cứu của tôi và nói tất cả đều vô nghĩa. Đúng, đó là lỗi của tôi… Tôi quá ngu ngốc… Tốt thôi, tôi phải bắt đầu lại mọi thứ đã làm 3 năm qua một lần nữa…”, anh viết.
Sự việc này khiến cộng đồng mạng Trung Quốc dấy lên những tranh cãi, phản đối hệ thống học tập áp lực tại quốc gia này. Sixthtone dẫn một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của 12.117 sinh viên từ 40 trường đại học cho thấy áp lực học tập là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt cảm xúc tiêu cực. Hơn 60% người tham gia bị căng thẳng vì học tập, trong đó, nghiên cứu sinh là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Với 16 năm kinh nghiệm tư vấn sức khỏe tâm thần cho học sinh cấp 3 và đại học, bác sĩ Liang Lingyan, ở Thượng Hải, cho biết phần lớn thanh niên tìm đến bà vì bị trầm cảm từ áp lực học tập. Song, rất ít sinh viên tìm kiếm sự hỗ trợ hay gặp bác sĩ tâm lý. Đó là vấn đề mà những chuyên gia sức khỏe tâm thần như bà cố gắng giải quyết trong nhiều năm.
Học cách bao dung
Theo Washington Post, các nghiên cứu cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên chịu nhiều áp lực hơn từ đại dịch, khiến cảm giác cô đơn, lo lắng về bệnh tật, kinh tế, sự bấp bênh không ngừng gia tăng. Nó khiến các em vốn đã trải qua khoảng thời gian đầy thử thách không được giao tiếp xã hội, ngày càng thu mình vào ốc đảo cô đơn.
Năm 2020, thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy trong số những người 18-24 tuổi được khảo sát, 25% đã nghiêm túc xem xét việc sẽ tự sát. Con số này quá lớn.
Các nghiên cứu cho thấy số lượng trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần liên quan trẻ em “trước đây đã như đám cháy và đại dịch là can xăng làm bùng lên ngọn lửa”, theo nhà tâm lý học Heather Huszti, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe trẻ em, Nam California, Mỹ, cho biết.
Tại Ấn Độ, một thống kê vào năm 2018 cho thấy cứ sau mỗi giờ, một học sinh ở nước này tự tử.
Nguyên nhân chính khiến trẻ em và thanh thiếu niên tìm đến tự tử thường là áp lực học tập. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát là một cách giải thoát. Nhiều trẻ đối diện cảm giác cô đơn, không có ai chia sẻ, kỳ vọng quá lớn từ người thân, thầy cô, bạn bè và dẫn tới trầm cảm.
Thanh thiếu niên là độ tuổi rất mong manh và cũng đầy bồng bột. Đây là lúc các em đứng trước những lựa chọn, học cách làm người lớn, học cách chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng chính lúc này, chỉ cần những câu nói vô cảm cũng có thể khiến các em bị tổn thương.
Năm 2019, một vụ tự tử ở thành phố Thượng Hải khiến cộng đồng mạng thương xót. Theo Global Times, một thiếu niên 17 tuổi do mâu thuẫn đã nhảy cầu ngay trước mặt mẹ. Tháng 7/2020, một nữ sinh ở Thường Châu nhảy lầu tự tử do bị cô giáo xúc phạm, chỉ trích. Cuối tháng 10/2020, Chu Kiếm (16 tuổi) ở Giang Tô, nhảy sông tự vẫn vì lời nói tổn thương của cô giáo chủ nhiệm.
Nhưng trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà trường. Theo Education Week, khi nhà tâm lý học Robert Evans và Mark Kline (Giám đốc điều hành và Giám đốc lâm sàng The Human Relations Service) thực hiện một thống kê tại một số trường ở Mỹ, họ nhận thấy khi có học sinh tự tử ở trường nào đó, phụ huynh bức xúc vì trường học gây áp lực lớn cho con em họ. Nhưng cuối cùng, điều mà họ làm là tiếp tục đòi hỏi con về điểm số, học hành, thi cử.
Hai vị chuyên gia cho rằng điều này khiến việc tự tử ở trẻ như một vòng xoáy không lối thoát. Các nghiên cứu đã chứng minh áp lực từ cha mẹ, thầy cô, kỳ vọng quá lớn khiến trẻ lo lắng, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, có ý định tự tử nhiều hơn. Thậm chí sau đó, một số phụ huynh không hiểu họ đã sai ở đâu khi nuôi dạy con cái.
Các chuyên gia nhấn mạnh ngay trong những câu hỏi hàng ngày như: "Con thi được mấy điểm? So với bạn trong lớp con đứng thứ mấy? Hôm nay học có tốt không?" tưởng như quan tâm đơn thuần nhưng dần tạo thành áp lực cho trẻ về việc buộc phải trở thành người giỏi giang hay xuất chúng.
Trẻ em chưa từng làm người lớn, những ông bố bà mẹ cũng lần đầu tiên học làm cha mẹ. Nhưng cả bố mẹ lẫn con cái cần có cái nhìn bao dung, thấu hiểu nhau hơn, đừng chỉ áp đặt những kỳ vọng của mình vào đối phương. Người lớn mong muốn điều tốt nhất cho trẻ nhưng đừng yêu con sai cách.