Cha mẹ nên làm cho con 12 điều đơn giản

Phụ huynh không cần hy sinh toàn bộ thời gian, tâm trí để chăm lo cho con. Họ chỉ cần dành cho trẻ những điều tử tế, đơn giản để chúng học cách trưởng thành.

1. Cho con thời gian rảnh: Nhiều phụ huynh quá kỳ vọng con thành công nên lên lịch học, tham gia hoạt động ngoại khóa dày đặc. Việc dành hầu hết thời gian trong ngày để học ở trường, lớp học thêm, luyện piano, khiêu vũ, tập chơi bóng có thể giúp trẻ phát triển toàn diện nhưng cũng gây áp lực lớn. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, cũng cần thời gian nghỉ ngơi và làm việc yêu thích. Vì thế, cha mẹ nên cho con đủ thời gian rảnh, tránh trường hợp con quá tải, dễ dẫn đến bùng nổ cảm xúc, phát sinh hành vi tiêu cực. Ảnh: Brightside.

2. Không cố làm bố mẹ hoàn hảo: Nhiều người cố gắng làm tốt nhất có thể để con cái hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa họ phải hoàn hảo. Chạy theo mục tiêu hoàn hảo, phụ huynh luôn che giấu cảm xúc thật, cố kiểm soát mọi chuyện. Khi không làm được, họ cảm thấy có tội và ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với con. Ảnh: Orion Pictures.

3. Không trừng phạt mà chú ý dạy con: Trẻ bắt chước hành vi và học hỏi từ chính cha mẹ. Vì vậy, nếu con làm sai, phụ huynh nên dùng phương pháp dạy dỗ tích cực, giải thích cho chúng hiểu tại sao hành vi đó không thể chấp nhận. Việc trừng phạt con không mang lại điều gì khi trẻ không hiểu hậu quả từ hành vi và lý do nó sai trái. Người lớn cần biết cho con cơ hội để nhận ra và tự sửa chữa sai lầm. Ảnh: 20th Century Fox Television.

4. Tạo kỷ niệm vui vẻ với con: Kỷ niệm tuổi thơ giúp chúng ta biết cách phản ứng trước các sự kiện và nhìn nhận thế giới. Nghiên cứu cho thấy trẻ có nhiều kỷ niệm đẹp trưởng thành khỏe mạnh và cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn. Họ nhìn đời bằng thái độ tích cực, kiểm soát áp lực tốt hơn, dễ tạo mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Ảnh: 20th Century Fox Television.

5. Bày tỏ tình cảm: Nhiều phụ huynh ngại thể hiện tình cảm với con. Trong khi đó, việc bày tỏ tình cảm, cảm xúc giúp trẻ kiên cường và ít gặp các vấn đề về tâm lý, hành vi. Nó cũng thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ với con cái, giúp trẻ cảm thấy được bảo vệ. Bằng cách này, người lớn dạy thế hệ mầm non biết thể hiện tình yêu, quan tâm người khác để tạo dựng mối quan hệ gắn bó trong tương lai. Ảnh: 20th Century Fox Television.

6. Chú ý nỗ lực hơn kết quả: Đôi khi, mọi chuyện không diễn ra đúng kế hoạch, bất kể chúng ta cố gắng đến đâu. Vì thế, cha mẹ cần giúp con hiểu rõ hiện thực, dạy chúng không nản lòng khi thất bại, coi khó khăn là thử thách để tìm cách vượt qua. Trẻ cần biết thất bại không có nghĩa kém thông minh hay chưa đủ nỗ lực mà là kết quả để tiến dài hơn trong tương lai. Việc bố mẹ xem trọng quá trình cố gắng của con hơn kết quả cuối cùng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tư duy, giúp con học cách đương đầu với khó khăn sau này. Ảnh: 20th Century Fox Television.

7. Nhờ con giúp đỡ việc nhà: Trẻ biết làm việc nhà sẽ hạnh phúc hơn khi trưởng thành. Việc giúp đỡ bố mẹ làm việc giúp con cảm thấy mình là thành viên của xã hội, cần biết đóng góp. Những đứa trẻ này hiểu lao động là phần thiết yếu trong cuộc sống, không ai làm hộ chúng được. Khi trưởng thành, trẻ dám đi đầu trong công việc và có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Ảnh: ABC Studios.

8. Dạy con nhận biết cảm xúc: Phụ huynh thường khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc tích cực và kìm nén cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, việc bỏ qua cảm xúc tiêu cực không khiến chúng biến mất. Do đó, họ nên dạy con hiểu buồn bã, thất vọng, tức giận là chuyện bình thường và tại sao con cảm thấy vậy, đồng thời biết cách thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh. Ảnh: Walt Disney Pictures.

9. Để con là chính mình: Phụ huynh tử tế không ép con kìm nén con người thật của mình hay cố gắng biến con thành người khác với bản chất. Nhiều người thích so sánh trẻ với "con nhà người ta". Cách này thường phản tác dụng. Thái độ của bố mẹ tổn thương lòng tự trọng của con, khiến chúng bực bội, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực về người lớn. Nó cũng ảnh hưởng bản thân trẻ khi trưởng thành, dẫn đến suy nghĩ mình chưa đủ tốt khi so sánh với người khác. Ảnh: 20th Century Fox Television.

10. Có cuộc sống riêng: Nhiều người hy sinh hầu hết thời gian, năng lượng cho con cái nhưng họ cũng cần có cuộc sống riêng. Sự quan tâm quá mức với hành vi mang tính chiếm hữu, kiểm soát và không để trẻ tự do khiến chúng áp lực. Trong khi đó, điều con cần là hình mẫu để noi theo chứ không phải người dồn hết trọng tâm vào con cái và gia đình. Ngoài ra, cách sống của cha mẹ cũng tác động đến tư duy của con. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có mẹ đi làm thường thành công hơn trong công việc. Ảnh: Open Road Films.

11. Gắn kết cảm xúc trong gia đình: Trẻ cần môi trường mà chúng cảm thấy an toàn, thuận lợi để khám phá thế giới xung quanh. Môi trường này giúp con biết ứng phó với áp lực, có cơ hội đóng góp ý kiến vào việc chung. Phụ huynh cần hiểu con cần các kỹ năng xã hội để hình thành mối quan hệ lành mạnh, không sợ bị từ chối và tương tác cởi mở với người khác trong tương lai. Những đứa trẻ này thường có kết quả học tập tốt vì chúng biết gia đình luôn tin tưởng, hỗ trợ mình. Ảnh: BS Television Studios.

12. Rạch ròi giữa bản thân con và hành vi của chúng: Trẻ nên hiểu bố mẹ luôn yêu mình vô điều kiện. Hành vi của chúng không thay đổi điều đó. Nếu con phạm sai lầm, cha mẹ cần giải thích rằng họ buồn, thất vọng và hành vi đó gây hậu quả thế nào. Nó không nhằm mục đích khiến trẻ thấy tội lỗi, xấu hổ mà để dạy con thành người sống có trách nhiệm, biết kiểm soát cảm xúc, cảm thông với người khác. Ảnh: Paramount Pictures.

Bách Linh (Theo Brightside)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cha-me-nen-lam-cho-con-12-dieu-don-gian-post1011204.html