Cha mẹ thường cấm con nghịch nước nhưng không hay biết 5 điều bất ngờ

Đối với trẻ nhỏ, chơi với nước không chỉ đơn thuần mang lại niềm vui mà đó còn là hoạt động phát triển giác quan, tính cách và thể chất.

Hiếm có một đứa trẻ nào lại không thích nghịch nước. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường hay cấm con chơi với nước vì sợ ướt và bẩn. Thực tế, đối với trẻ nhỏ, chơi với nước không chỉ đơn thuần mang lại cảm giác vui vẻ mà đó còn là hoạt động phát triển giác quan, khả năng thể chất và học cách thế giới vận hành.

Giáo sư Pamela Taylor, giảng viên chuyên ngành giáo dục mầm non tại Grant MacEwan College ở Toronto, Canada, giải thích. "Trẻ luôn tò mò về nước. Đây là vật liệu chơi mang tính toàn cầu với khả năng chơi vô hạn".

Đúng như tên gọi, trò chơi dưới nước bao gồm nước và các dụng cụ đi kèm như xô, thùng chứa và đồ chơi, cho phép trẻ té nước, xúc, đổ và khám phá bằng các giác quan của mình. Nghịch nước mang lại trải nghiệm xã hội cho trẻ khi chúng cùng nhau nô đùa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển kỹ năng vận động và khám phá giác quan

Các hành động đổ, phun nước, nhúng nước và cầm gáo ở một góc nhất định để giữ nước đều là những động tác nhỏ nhưng lặp đi lặp lại có ý nghĩa cho phép trẻ rèn luyện khả năng kiểm soát cơ bắp của mình.

Ngoài ra, Geraldine Africa, chuyên gia phục hồi chức năng cho biết: "Chơi với nước là cách hữu ích để phát triển khả năng xử lý xúc giác ở trẻ em. Xử lý xúc giác là nền tảng để trẻ ý thức rõ ràng về cơ thể, nhận thức về các ranh giới bên ngoài và hành vi thể chất cũng như tinh thần".

Xử lý xúc giác có liên quan đến cơ quan xúc giác - cách chúng ta nhận thức và thấu hiểu một đối tượng khi chúng ta cầm nắm nó. Hệ thống xúc giác cũng giúp ta nhận biết nhiệt độ và cảm giác đau.

"Hệ thống xúc giác xử lý cảm giác là thứ cho phép một đứa trẻ thò tay vào hộp đồ chơi và lấy ra nhân vật hành động yêu thích của mình mà không cần nhìn", Claire Heffron, chuyên gia phục hồi chức năng nhi khoa tại Đại học Bắc Carolina viết trên blog The Inspired Treehouse của mình. "Nó cho bạn biết khi nào nước tắm đủ ấm (nhưng không quá nóng) và giúp bạn quyết định xem bạn thích tắm dưới dòng nước chảy vừa đủ hay chảy mạnh từ vòi hoa sen".

Vì vậy, bất kỳ vật liệu bổ sung nào như cát, nước đá hoặc xà phòng với nước đều cho phép người chơi khám phá sâu hơn về kết cấu và nhiệt độ. Có vô số lựa chọn khi nói đến trò chơi dưới nước và việc tiếp xúc với các giác quan cho phép trẻ làm quen với nhiều cảm giác khác nhau đồng thời hiểu được chúng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng cường khả năng phối hợp và tập trung

Theo Sph.edu, nghịch nước là phương tiện tuyệt vời để trẻ rèn luyện khả năng phối hợp, tập trung và kiên trì. Một số trẻ có thể cảm thấy thất vọng vì không thể rót đúng cách hoặc lấy nước ra khỏi đồ chơi của mình.

Tuy nhiên, nhiều lần thử và tiếp xúc với trò chơi dưới nước giúp trẻ học cách thử lại, kiên trì và không dễ dàng bỏ cuộc. Đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi; càng thực hành nhiều thì trẻ càng tiến bộ hơn đồng thời khuyến khích sự phát triển tính cách.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Suzy Green, nhà tâm lý học lâm sàng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với trang Essential Baby: "Trẻ có thể chơi với nước một mình hoặc với bạn bè. Khi trẻ tận hưởng niềm vui trong trò chơi kinh điển này, trẻ sẽ giải phóng hết năng lượng dư thừa, khơi gợi trí óc tò mò, có những giây phút vui đùa thoải mái - tất cả đều rất quan trọng đối với sự phát triển tính cách của trẻ em".

Phát triển khả năng toán, khoa học và ngôn ngữ

Khi chúng ta làm cho việc học trở nên thú vị, các môn học như toán và khoa học có thể dễ dàng được các em nhỏ kết hợp và tiếp thu. Mỗi khi trẻ đổ đầy xô hoặc đồ chơi, trẻ đang thực hiện một cuộc tìm hiểu khoa học, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề khi trẻ hiểu cách thức và lý do mọi việc xảy ra.

Chơi dưới nước cũng giúp tăng cường phát triển ngôn ngữ khi trẻ học cách mô tả những gì đang diễn ra trong khi chơi. Đây thực sự là hoạt động phù hợp, giá cả phải chăng và dễ dàng nhất dành cho trẻ em.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội

Chơi với nước khuyến khích trẻ tương tác với nhau. Khám phá những trải nghiệm mới trong không gian chung mang đến cơ hội phát triển xã hội. Trẻ em sẽ truyền đạt những phát hiện của mình cho những người xung quanh.

Vì trò chơi dưới nước thường diễn ra ở một khu vực hạn chế với thiết bị điện tử nên điều này sẽ khuyến khích trẻ chia sẻ và cộng tác khi tham gia chơi. Tóm lại, có rất nhiều cơ hội để trẻ phát triển kỹ năng xã hội và phát triển cảm xúc khi chơi dưới nước.

Dễ dàng thực hiện tại nhà

Với trò nghịch nước, cha mẹ có thể dễ dàng bố trí khu vực chơi ngay ở sân nhà hoặc bất kỳ không gian nào thoáng đãng. Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi với nước, không cho trẻ tự ý chơi một mình.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cha-me-thuong-cam-con-nghich-nuoc-nhung-khong-hay-biet-5-dieu-bat-ngo-d199862.html