Cần đánh giá kỹ tác động áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đề xuất đưa các sản phẩm đồ uống vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không hữu hiệu, vì sắc thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn hơn lợi ích có thể đạt được.

Đánh thuế có giảm được tỷ lệ béo phì?

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế và lý giải nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, cụ thể là tình trạng thừa cân béo phì (TCBP).

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 và báo cáo của các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì. Bên cạnh nguyên nhân dinh dưỡng, thừa cân béo phì còn do thiếu hoạt động thể chất, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, tuổi tác, giới tính, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hay các yếu về gen di truyền hoặc nội tiết tố.

Nếu đường được coi là thủ phạm của các loại bệnh này thì việc chỉ áp thuế đối với một mặt hàng có chứa đường là nước giải khát sẽ không hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều đường và có hàm lượng calories cao hơn đang sẵn có trên thị trường như kẹo, bánh, kem, đồ ăn nhanh, sữa...

 Cần đánh giá kỹ tác động áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Ảnh minh họa

Cần đánh giá kỹ tác động áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng cho rằng, thực tế là chưa có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên quan duy nhất của TCBP với nước giải khát có đường. Đường chỉ chiếm chưa tới 3,6% trong tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày của người Việt và đường có trong nhiều thực phẩm khác nhau, không chỉ trong nước giải khát. Nếu xét về hàm lượng calo trong 100ml hoặc 100g thì nước giải khát có đường cung cấp khoảng 44kcal trong khi thịt bò, thịt gà, cá cung cấp từ 160 đến 199 kcal, bánh, kẹo đều trên 300-400 kcal.

“Hiện nay, nhóm TCBP tập trung ở trẻ em khu vực thành thị nơi mà trẻ em ít vận động thể chất và có thời gian tĩnh tại nhiều. Đây là nguyên nhân đáng kể dẫn tới TCBP. Vận động ít, không đủ còn gây ra hội chứng chuyển hóa như béo bụng, rối loạn lipid, tăng huyết áp, kháng insulin”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho nói và cho biết thêm, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường sẽ không thể giải quyết được vấn đề TCBP trong bối cảnh có nhiều các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calo trên trường.

Nhật Bản có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở Nhật Bản chỉ 3,5%. Chính phủ nước ngày không áp dụng thuế đối với đồ uống có đường mà thi hành các chính sách giáo dục dinh dưỡng cộng đồng và khuyến khích hoạt động thể chất cho mọi lứa tuổi.

Theo thống kê của Obesity Evidence Hub, có khoảng 45 quốc gia (chưa đến 1/4 các nước trên thế giới) áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Nhiều quốc gia như Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei sau khi áp dụng chính sách thuế này tỷ lệ TCBP vẫn tiếp tục gia tăng.

Hiện nay Đan Mạch, Na Uy đã bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Bang California, Mỹ thậm chí đã thông qua dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới (kể từ tháng 6 năm 2018).

Doanh nghiệp thêm khó khăn

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Do đó, các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Những rủi ro chính sách sẽ dẫn tới bào mòn sức khỏe, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

“Xét trên tổng thể, cả về khía cạnh sức khỏe cộng đồng, cũng như việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đề xuất đưa các sản phẩm đồ uống vào danh mục chịu thuế TTĐB sẽ không hữu hiệu, vì sắc thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn hơn lợi ích có thể đạt được; đồng thời cũng không thật sự đạt hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì”, TS. Thảo nói.

TS. Thảo đề xuất, cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế TTĐB. Đồng thời, chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.

Ngoài ra, Chính phủ có thể đưa ra những biện pháp mang tính thị trường hơn như khuyến cáo về dinh dưỡng, yêu cầu dán nhãn phân loại sản phẩm theo lượng đường.

“Các hành động chính sách sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ”, TS. Thảo thông tin thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đã đề xuất giai đoạn hiện nay chưa phải là lúc để sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất là trong khoảng thời gian đến năm 2027 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với bia: Từ 1/1/2027 - 31/12/2028: 70%; Từ 1/1/2029 - 31/12/2030: 75%; Từ 1/1/2031: 80%.

Đối với Rượu từ 20 độ trở lên: Từ 1/1/2027 - 31/12/2028: 70%; Từ 1/1/2029 - 31/12/2030: 75%; Từ 1/1/2031: 80%.

Đối với Rượu dưới 20 độ: Từ 1/1/2027 - 31/12/2028: 40%; Từ 1/1/2029 - 31/12/2030: 45%; Từ 1/1/2031: 50%.

Bên cạnh đó, xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

“Khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế TTĐB thì nên cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-danh-gia-ky-tac-dong-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post302489.html