'Cha nuôi' mang quân hàm xanh
Chương trình 'Con nuôi đồn biên phòng' được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ tháng 7-2019. Hiện nay đã có 138 đồn biên phòng thuộc 28 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, thành phố nhận nuôi 355 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện phương châm truyền thống của BĐBP: 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt'.
Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ tháng 7-2019. Hiện nay đã có 138 đồn biên phòng thuộc 28 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, thành phố nhận nuôi 355 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện phương châm truyền thống của BĐBP: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Bài 1 : Những đứa trẻ ở đồn biên phòng
Đến nhiều đồn biên phòng các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, chúng tôi nhận thấy một điều đặc biệt: Trong đơn vị quân đội có tiếng trẻ em ê a học bài. Đó là những đứa trẻ mồ côi bố mẹ, được các cán bộ, chiến sĩ nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng, hằng ngày đưa đến trường.
Từ chương trình “Nâng bước em tới trường”
Trao đổi với Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó Trưởng phòng Vận động quần chúng (Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP), chúng tôi được biết: Năm 2014 thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Cục Chính trị BĐBP triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Các đơn vị BĐBP đã trợ giúp gần ba nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/học sinh. Trong số này nhiều cháu đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trường nghề. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp mồ côi cha mẹ, không có điều kiện đến trường. Từ thực tế đó, tháng 7-2019, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động trong toàn lực lượng thực hiện Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai nhận xét: Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” dù được triển khai muộn hơn nhưng rất gần gũi và thực chất. Thay vì hằng tuần, hằng tháng, các em mới được gặp cán bộ, chiến sĩ thì những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được đưa về nuôi dưỡng tại đơn vị. Các em được bố trí nơi ăn, ngủ, góc học tập, được cấp quần áo, chăn, màn, sách vở, đồ dùng học tập. Hằng ngày, các em tham gia những sinh hoạt chung với các cán bộ, chiến sĩ như rèn luyện sức khỏe, trồng rau, chăn nuôi, vệ sinh nhà cửa. Nói như Đại úy Nguyễn Tiến Công, Chính trị viên phó Đồn BP Bát Xát (tỉnh Lào Cai), các em sẽ có đủ điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và bước đầu có được hành trang cần thiết cho cuộc sống mai sau.
Trung tá Đoàn Ngọc Báu cho biết thêm: Các cơ quan, đơn vị không trực tiếp nuôi các cháu đã tự nguyện ủng hộ kinh phí để thực hiện mô hình với mức tiền 200 nghìn đồng/tháng/cháu. Đến nay số tiền ủng hộ đã lên tới hơn hai tỷ đồng. Ngoài ra, BĐBP các tỉnh, thành phố trực tiếp nhận con nuôi đã huy động sự tham gia, đóng góp của cán bộ chiến sĩ và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, 350 xe đạp, 300 bộ quần áo cho các cháu.
Ngày 26-3-2016 là một ngày không quên của các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Phó Bảng (Hà Giang) cũng như ba chị em Vàng Thị Chá (sinh năm 2004), Vàng Thị Sáu (sinh năm 2007), Vàng Thị Chở (sinh năm 2009) ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Bởi từ đây cuộc đời các em sang trang mới khi được đón về đồn BP nuôi dưỡng, chăm sóc như con đẻ.
Thượng tá Hà Văn Nga, Chính trị viên đồn BP Đồng Văn, trước đó là Chính trị viên đồn BP Phó Bảng (tỉnh Hà Giang) và Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên, Phó Đồn BP Phó Bảng kể về hoàn cảnh và quá trình nhận nuôi các con. Thời điểm năm 2016, Đồn BP Phó Bảng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hà Giang nhận ba cháu Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở về chăm sóc, nuôi dưỡng tại đồn. Hoàn cảnh các cháu khi đó rất khó khăn, bố mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, mẹ bỏ đi không về. Cả ba cháu ở với bác ruột và bà nội, gia đình bác cũng nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Việc học hành vì thế mà dở dang giữa chừng. Nhận thấy hoàn cảnh éo le, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn BP đã bàn bạc với gia đình, chính quyền xã Sà Phìn để hoàn thiện thủ tục hành chính, đón các em về nuôi đến năm 18 tuổi.
“Con nuôi” đồn biên phòng
Những đứa trẻ mà chúng tôi gặp ở các đồn BP Bát Xát, Bản Lầu… (tỉnh Lào Cai) rất ngoan, lễ phép. Hai em Tẩn Minh Khải và Thào Đức Dũng, lớp 5, Trường tiểu học xã Bản Qua (huyện Bát Xát) đều đạt học sinh giỏi năm học 2018 - 2019; em Vàng A Chúng, lớp 5 Trường tiểu học xã Pha Long (huyện Mường Khương) đạt học sinh giỏi, em Lò Việt Đức, lớp 6, Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai) đạt học sinh xuất sắc. Trong số này, Tẩn Minh Khải còn đoạt Giải ba cấp tỉnh môn tiếng Việt năm 2019.
Đến Đồn BP Lũng Cú (tỉnh Hà Giang), trao đổi với Thiếu tá Trần Đức Hưng, Phó Đồn trưởng, chúng tôi được biết Thò Thị Dính (sinh năm 2005) cùng hai em là Thò Mí Và (sinh năm 2008), Thò Thị Xúa (sinh năm 2012) được Đồn BP Lũng Cú nuôi dưỡng theo Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Các “cha nuôi” tâm sự: Khó khăn nhất là khi Thò Thị Xúa vào lớp 1, việc dạy học, chăm sóc trở nên vất vả. Bởi Thò Thị Xúa phát triển trí tuệ không bình thường như các bạn cùng trang lứa. Có hôm, lớp học tan từ lâu nhưng cháu vẫn chưa về, khiến cả đồn BP phải “báo động”, các cha nuôi chia nhau đi tìm và thấy Xúa đang chơi ở nhà bạn. Thương con, các “cha nuôi” đã đưa Xúa về Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn để khám. Hiện Thò Thị Dính đang học lớp 9, Thò Thị Xúa học lớp 3 và anh của Xúa là Thò Mí Và đang học lớp 6, Trường PTDT nội trú Đồng Văn. Các anh chị của Xúa đều học giỏi và thông minh. Thò Thị Dính vừa học tốt ngoại ngữ, vừa múa giỏi, hát hay…
Tại Đồn BP Cửa khẩu Lý Vạn (tỉnh Cao Bằng), hai con nuôi của đồn là Lý Bằng Giang và Nông Đinh Thanh Nhã đều học lớp 8A, Trường THPT Bằng Ca, xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang, Cao Bằng). Thượng tá Hoàng Văn Tùng, Chính trị viên Đồn BP Cửa khẩu Lý Vạn chia sẻ: Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, rụt rè, đến nay, hai con hòa nhập như một “chiến sĩ nhỏ”. Sáng, hai cháu dậy tập thể dục cùng các cha nuôi, hằng ngày, ngoài thời gian học tập, tham gia tăng gia, vệ sinh đơn vị.
Bố mất sớm, mẹ bỏ đi đâu không rõ, em Hoàng Văn Chiến, 10 tuổi ở cùng bà nội ở bản Đông Có, xã Cải Viên (huyện Hà Quảng, Cao Bằng). Từ tháng 9-2019, Hoàng Văn Chiến được đón về cùng ăn, ở, sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác Biên phòng Cải Viên, để tiện cho việc đến trường. Trung úy Lê Đức Quân, Tổ công tác Biên phòng Cải Viên chia sẻ: Thời gian đầu, cháu Hoàng Văn Chiến rất nhút nhát. Cha nuôi trong tổ công tác thường xuyên quan tâm động viên, kèm cặp cháu học tập. Dần dần tính cách cháu Hoàng Văn Chiến thay đổi tích cực, vui vẻ, hoạt bát, đọc bài tiếng phổ thông rõ ràng, giải toán nhanh. Buổi sáng ngủ dậy, cháu tự gấp chăn, màn, quét phòng. Hằng ngày, sau thời gian học tập, vui chơi, sinh hoạt, cháu tự giặt quần áo của bản thân. Cuối tuần, nếu muốn về nhà, cha nuôi lại đưa cháu về thăm bà nội. Đến chiều chủ nhật, lại được vào đón về.
Bà Sùng Thị Máy (78 tuổi, bà nội của ba em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở), mừng rơi nước mắt khi gặp lại ba đứa cháu yêu. Bà chia sẻ: “Được các cán bộ biên phòng dạy dỗ, bảo ban chu đáo cho nên các cháu học hành tốt hơn, lễ phép và tác phong nhanh nhẹn. Có lần cháu kể: Buổi tối học bài, các chú ngồi cạnh hướng dẫn. Bài nào khó, các chú bộ đội sẽ nhờ cô giáo đến giảng giúp. Cháu gái Vàng Thị Chá đoạt Giải ba học sinh giỏi môn Ngữ văn của huyện Đồng Văn, tôi vui lắm! Xin cảm ơn các anh bộ đội biên phòng!”.
Ở Đồn BP Đàm Thủy (tỉnh Cao Bằng) chúng tôi gặp hai em nhỏ Nông Văn Huynh (lớp 8) và Hoàng Doãn Tuyên (lớp 7). Hoàng Doãn Tuyên có bố bị bệnh tâm thần, mất sớm, mẹ bỏ đi khi em mới 5 tháng tuổi. Thiếu úy Hứa Văn Thượng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng là một trong những người được giao trực tiếp chăm sóc hai em. Điều cảm động là thiếu úy Hứa Văn Thượng có hoàn cảnh khá khó khăn. Thiếu úy Thượng là người dân tộc Tày, ở quê còn mẹ già sống trong căn nhà tường làm bằng đá, nền xi-măng, lợp ngói âm dương... đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đàm Thủy.
(Còn nữa)
“Các em như những “đứa con” của đồn biên phòng, còn cán bộ, chiến sĩ đóng vai trò là những người cha, người mẹ đúng nghĩa. Họ không chỉ dạy dỗ, đưa đón các em đến trường mà còn thay bố, mẹ các em họp phụ huynh ở trường, hướng dẫn các em cách cư xử, giao tiếp hằng ngày, cũng như thực hiện nội quy, quy định của đơn vị...”.
Thượng tá NGUYỄN VĂN TUẤN,
Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cha-nuoi-mang-quan-ham-xanh--623641/