Cha tôi

Bao nhiêu lời hay ý đẹp đã được viết về cha tôi: về nhà văn, người Phật tử, người dấn thân, người bạn. Hôm nay đến lượt tôi chia sẻ vài suy nghĩ và kỷ niệm về người đã là cha tôi, về vai trò của ông trong nửa cuộc đời ông.

LTS. Những lời này đã được Cao Huy Liên Tâm, con gái của Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024) thay mặt gia đình bộc bạch trước lúc hỏa táng người cha thân yêu của mình tại Paris, Pháp quốc. Được sự đồng ý của chị, Giác Ngộ xin giới thiệu cùng bạn đọc những cảm xúc mộc mạc của người trí thức trẻ Việt Nam sinh trưởng và làm việc tại kinh đô ánh sáng của châu Âu, về người cha của mình.

***

Bao nhiêu lời hay ý đẹp đã được viết về cha tôi: về nhà văn, người Phật tử, người dấn thân, người bạn. Hôm nay đến lượt tôi chia sẻ vài suy nghĩ và kỷ niệm về người đã là cha tôi, về vai trò của ông trong nửa cuộc đời ông.

Khi tôi còn nhỏ, nhờ giờ giấc của công việc dạy học, ông hầu như lúc nào cũng có mặt ở nhà. Tôi thấy ông làm việc rất nghiêm túc, không ngừng nghỉ từ sáng đến chiều. Có khi anh tôi và tôi làm trò khỉ sau lưng ông hầu mong lôi kéo ông ra khỏi sự tập trung, nhưng vô ích. Khi ông đã về hưu và có thể dành hết thì giờ tâm trí cho viết lách, tôi thấy ông đọc và viết vẫn nghiêm túc như thế. Đó là hình ảnh của cha tôi, khi tôi nghĩ đến ông: ngồi trong một tia nắng, đầu cúi trên trang giấy, chăm chú, không một tiếng động nào ngoài tiếng ngòi bút đều đều trên trang giấy. Ông như một cây hướng dương trong nhà, sáng ở phía Đông, trưa chiều ở phía Tây.

Đối với cha tôi, ngoài sách vở, còn có một điều thiêng liêng khác: nấu ăn. Mỗi khi tôi cùng chồng con đến thăm ngày cuối tuần, ông lấy tạp-dề ra, thay cây bút bằng đôi đũa rồi với tất cả tấm lòng, ra sức nấu nướng để đãi chúng tôi một bữa ăn thịnh soạn như trong cung đình Huế. Mọi người vào bàn nhưng ông chưa ăn ngay: ông thích nhìn mấy đứa cháu ăn thỏa thuê. Chúng càng ăn nhanh và ngon miệng, ông càng vui.

Ở tuổi xế chiều, cha tôi đã viết theo lời xin của tôi một tập tự truyện nhỏ cho mấy đứa cháu, để trả lời khi ông sẽ không còn những câu hỏi mấy đứa con tôi chưa biết hỏi hôm nay. Tuyển tập này, viết nhanh bằng tiếng Pháp, kể lại chuyện cậu bé Toa, tên gọi thân mật của cha tôi từ thuở nhỏ ở quê đến khi ông bắt đầu dấn thân cho một nước Việt Nam hiện nay đã biến mất, tàn phá bởi chiến tranh. Ngoài giá trị của một chứng từ, tập truyện này làm tôi xúc động vì tôi tìm lại được trong những trang ấy người cha kể truyện của tôi thời thơ ấu.

Tập truyện có một đoạn kể lại trải nghiệm của cha tôi khi là một chú sói con 6-7 tuổi trong một phong trào hướng đạo tự phát, trải nghiệm đã đem đến cho ông những giá trị đi theo ông suốt cuộc đời. Tôi ghi lại những dòng này:

“Mỗi Chủ nhật, nhóm sói con của ông đi phát gạo cho người nghèo. Trên đường về tụi này ca hát để quên đi đường dài. Bụng đói, khát nước, thôi kệ, vẫn hát vì phải ‘vui, lúc nào cũng vui, trong mọi hoàn cảnh’. Đời là bể khổ, nhưng đời cũng là suối nguồn vui”.

Cái ông già là ông bây giờ vẫn không ngừng học hỏi từ chú sói con hồi ấy. Chú bé ấy hát, và hát hay. “Phải vui, lúc nào cũng vui...”.

Cha tôi có những phẩm giá. Qua tấm gương của con người ông và những gì ông làm, cha tôi đã dạy tôi lòng nhân ái, tính cương trực và sự can đảm, sức mạnh của lý tưởng.

Qua sự thương yêu vô vàn, cha tôi đã chỉ cho chúng tôi thế nào là hạnh phúc. Tôi đã hiểu là trong tất cả những năm tháng ấy, hạnh phúc là cha tôi, là chúng tôi, là tất cả những món quà lớn nhỏ của cuộc đời. Đó là lời dạy tôi gìn giữ từ cha tôi và hy vọng các con tôi cũng sẽ đến lúc hiểu được.

Theo cách nói thường tình, cha tôi đã không còn. Nhưng không phải thế: cha tôi ở trong tôi và trong mỗi người đã được biết ông và đọc ông. Ở nơi ấy, ông vẫn sống.

Cao Huy Liên Tâm

(Nội dung bằng tiếng Pháp, Đỗ Tuyết Khanh dịch)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/cha-toi-post72738.html