Chăm chút cho nguồn lực thanh niên

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020, sau đó nối tiếp giai đoạn 2021 - 2030. Đây là bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối thoại với thanh niên

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối thoại với thanh niên

Chiến lược hướng đến 6 mục tiêu: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên; giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho thanh niên, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh có khoảng 347.900 thanh niên (từ đủ 16 đến 30 tuổi), chiếm 18% dân số. Tuy Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh đã giải thể, nhưng Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn, sở, ban, ngành liên quan vẫn phối hợp thường xuyên, liên tục các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến thanh niên. Nhà nước bảo đảm nguồn lực, kinh phí triển khai nhiệm vụ, đề án, dự án phát triển thanh niên; tạo điều kiện duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có “Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế”; duy trì, củng cố hoạt động câu lạc bộ khởi nghiệp các cấp; hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 30.000 thanh niên; dạy nghề, giải quyết việc làm cho 22.000 thanh niên. Những khóa đào tạo nghề ngắn hạn giúp thanh niên nông thôn có cơ hội làm việc tại địa phương, giảm bớt khó khăn đi lại, tạo thu nhập ổn định, từng bước phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh giải ngân 12 dự án cá nhân khởi nghiệp (trên 1,7 tỷ đồng); trang bị kiến thức khởi nghiệp cho 348 thanh niên; tư vấn hướng nghiệp cho 67.359 người, giới thiệu việc làm cho hơn 16.486 người; cất mới 126 căn nhà nhân ái…

Thủ tướng Chính phủ giao ngành nội vụ giữ vai trò cơ quan thường trực, đầu mối hướng dẫn thực hiện Chiến lược. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ khẳng định: “Các sở, ban, ngành tỉnh lồng ghép, cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Cấp huyện đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức lối sống cho thanh niên. Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên ở tỉnh thời gian qua chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan”.

Tuy nhiên, tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đội ngũ công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên của các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu kiêm nhiệm. Do đó, công tác tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên đôi lúc lúng túng, chưa kịp thời; công tác phối hợp chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của thanh niên ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm hoặc thực hiện còn mang tính hình thức.

Cùng với đó, việc phối hợp giữa cơ quan Nhà nước với các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội… liên quan chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, hiệu quả mang lại chưa cao. Vẫn còn đó thực trạng đáng suy ngẫm: Chưa huy động được nguồn lực đầu tư cho thanh niên phát triển; cơ sở văn hóa, thể thao chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức, vui chơi giải trí của thanh niên; một bộ phận thanh niên vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, sa vào tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng tâm lý cho cộng đồng…

Cuối tháng 7/2023, đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ chia sẻ những vấn đề tỉnh An Giang đang gặp phải trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên. “Khi xây dựng Chiến lược, chúng ta mong muốn đạt rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đối với thanh niên. Nhưng thực tế cho thấy, một số chỉ tiêu, mục tiêu đang “vượt tầm”, đặc biệt là ở khía cạnh nguồn lực con người. Để thực hiện thành công, đòi hỏi nguồn lực bộ máy quản lý Nhà nước về thanh niên phải rất lớn, trong khi nguồn lực hiện tại có hạn” - ông Nguyễn Hiếu Thọ (Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) nhìn nhận.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Thủy đề nghị: “UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát, phản ánh chỉ tiêu chưa phù hợp, vướng ở đâu chỉ rõ, đề xuất giải pháp… để Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các đợt sơ, tổng kết Chiến lược; làm căn cứ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách liên quan đến phát triển thanh niên phù hợp tình hình mới”.

Chiến lược hướng đến xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Những mục tiêu này cần quá trình thực hiện lâu dài, sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, địa phương, với nguồn lực đặc biệt lớn.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cham-chut-cho-nguon-luc-thanh-nien-a371452.html