'Chấm điểm' công chức - thước đo của nền hành chính công vụ

Hà Nội hiện đang triển khai nhiều kênh đánh giá cán bộ để đảm bảo sự khách quan, minh bạch; từ đó góp phần nâng cao chất lượng của nền hành chính công vụ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Để đạt được thang điểm 100 xếp loại hàng tháng, cán bộ, công chức phải đạt 20 điểm về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; 70 điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và 10 điểm thưởng. Nếu liên tiếp trong 3 tháng không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, công chức sẽ bị tổ chức xem xét để điều chuyển, thay thế người mới.

Nội dung trên chính là khung tiêu chí đánh giá xếp loại hằng tháng đối với cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của thành phố, được thực hiện trên phần mềm từ năm 2018.

Không chỉ dừng lại ở phần mềm này, Hà Nội hiện đang triển khai nhiều kênh đánh giá cán bộ để đảm bảo sự khách quan, minh bạch; từ đó góp phần nâng cao chất lượng của nền hành chính công vụ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, phần lớn các đánh giá của công dân khi sử dụng phần mềm này thường là khi chưa hài lòng về thái độ hoặc tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của công chức. Ngoài việc đánh giá của công dân, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị sẽ phải tự đánh giá qua phần mềm về việc hoàn thành công việc của mình với thang điểm 100; sau đó cấp trên và cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thông báo công khai kết quả.

Anh Nguyễn Công Vương (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày xưa, mọi người hay có hòm góp ý, bây giờ chuyển qua trang đánh giá trực tiếp, tôi thấy nhanh gọn hơn, rút gọn được nhiều bước đánh giá độ hài lòng của công dân".

Tổng hợp năm 2024, tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có một công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong 3 tháng liên tiếp, Đảng ủy và UBND đã báo cáo tổ chức và đề xuất điều chuyển.

Còn tại UBND phường Thanh Xuân Bắc, sau khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa, bà Ngọc đã đánh giá công chức với các mẫu được in sẵn kèm hồ sơ. Theo bà, việc đánh giá trực tiếp này thuận lợi cho những người cao tuổi, đặc biệt là cán bộ, công chức sẽ tự “sửa mình” nếu công dân có phản hồi không tích cực.

Theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng sẽ đạt loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) nếu đạt 90-100 điểm; loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ) nếu đạt 70 đến dưới 90 điểm; loại C (hoàn thành nhiệm vụ) nếu đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) nếu đạt dưới 50 điểm. Tỷ lệ được đánh giá, xếp loại A không quá 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng được xếp loại.

Trường hợp tập thể đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi trội thì tỷ lệ cá nhân được đánh giá, xếp loại A cũng không vượt quá 40%. Kết quả đánh giá, xếp loại hàng tháng không chỉ là căn cứ để xếp thi đua, khen thưởng mà còn là một trong những cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Với những tiêu chí, thang điểm rõ ràng, nhiều ý kiến nhận định, đây sẽ là cơ sở quan trọng để định lượng chất lượng đội ngũ cán bộ, khắc phục sự hình thức, “cào bằng” khi đánh giá. Theo các địa phương, việc đánh giá thông qua phần mềm cũng giảm tải được giấy tờ, khắc phục được tình trạng cán bộ còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, dẫn đến chưa phản ánh đúng thực tế, chưa đánh giá hết từng vị trí công tác, kết quả làm việc thực chất của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Việc "chấm điểm" không chỉ là thước đo để các cơ quan, đơn vị đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ mà còn là mục tiêu để mỗi người phấn đấu; đồng thời để việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo định lượng chứ không định tính, từ đó sẽ rõ hơn, sát hơn, trách nhiệm hơn…

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cham-diem-cong-chuc-thuoc-do-cua-nen-hanh-chinh-cong-vu-302334.htm