Chậm đổi mới công nghệ, doanh nghiệp khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc công nghệ ngày càng hiện đại, xu hướng chuyên môn hóa sẽ ngày càng cao, yêu cầu tất yếu đặt ra cho các doanh nghiệp là phải đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ để có thể tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp chưacoi trọng đúng mức

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn TP Hà Nội” ngày 24/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Cường - Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Ứng dụng phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, hiện trạng công nghệ của DN Việt Nam có những điểm đáng chú ý.

Trong 6 năm vừa qua, Cục Ứng dụng phát triển công nghệ đã tập trung đánh giá hiện trạng công nghệ nhóm doanh nghiệp (DN) đang dẫn dắt thị trường Việt Nam, đó là các DN công nghiệp hỗ trợ.

Tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng gần 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.

Có khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia (chiếm khoảng 15%).

Về nhu cầu đổi mới công nghệ của DN, kết quả điều tra 200 DN công nghiệp hỗ trợ cho thấy, 51 DN, chiếm 25%, có nhu cầu đổi mới công nghệ với 61 công nghệ cụ thể.

Ông Nguyễn Đăng Cường - Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Ứng dụng phát triển công nghệ (Bộ KH&CN).

Ông Nguyễn Đăng Cường - Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Ứng dụng phát triển công nghệ (Bộ KH&CN).

Với việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTA, yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm của DN Việt Nam ngày càng phải chất lượng, yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao. Chẳng hạn, độ chính xác trong khuôn mẫu dùng cho điện thoại từ vài phần trăm lên vài phần nghìn.

Yêu cầu về độ phức tạp của sản phẩm cũng ngày càng tăng, mức độ tích hợp sản phẩm ngày càng phức tạp. Cùng với đó là sự thay đổi trong chuỗi cung ứng của các nhà cung cấp với vai trò ngày càng cao của các DN công nghiệp hỗ trợ.

“Có thể nói, đổi mới và phát triển công nghệ là yêu cầu tất yếu đối với DN để bắt kịp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong khi đó, trên thực tế, DN Việt Nam có quan tâm đến vấn đề công nghệ và phát triển sản phẩm mới nhưng thực sự chưa coi trọng đúng mức đến các vấn đề kỹ thuật công nghệ”, ông Cường đánh giá.

Theo ông Cường, chỉ có đổi mới công nghệ, DN mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Một ví dụ điển hình là công ty 4P đã cung cấp mỗi tháng ra thị trường hơn 3 triệu sản phẩm như bản mạch tivi LCD, tivi 3D, bản mạch cho máy in, camera... nhờ việc đổi mới công nghệ.

Nhận thấy công nghệ ngày càng hiện đại, xu hướng chuyên môn hóa sẽ ngày càng cao, thay vì làm sản phẩm hoàn chỉnh, công ty 4P đã căn cứ vào năng lực của mình quyết định bắt đầu từ những linh kiện nhỏ nhưng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quan điểm của 4P là làm chủ về công nghệ để sản xuất được những linh kiện nhỏ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì quốc gia đó mới có thể hi vọng tiến tới làm toàn bộ sản phẩm... Đồng thời đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới trong bối cảnh hội nhập.

Đề cập đến vấn đề tự động hóa, ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Tự động hóa toàn cầu, mức độ tự động hóa của 1 DN thành 7 mức. Trong đó, với mức 1, DN chưa có gì về tự động hóa, còn mức 7 là DN tự động hóa hoàn toàn, tức là tiệm cận với sản xuất thông minh.

Trong khi đó, DN Việt Nam mới chỉ tập trung nhiều nhất ở mức 3, 4. Theo đó, DN Việt Nam còn một chặng đường rất dài mới có thể hoàn thiện công nghệ, xây dựng hệ thống tự động hóa.

“Như vậy, rất cần những DN đổi mới sáng tạo để tham gia vào quá trình tự động hóa và thông minh hóa cho các nhà máy sản xuất”, Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam nhìn nhận.

Xu thế không thể đảo ngược

Nhấn mạnh vấn đề đổi mới sáng tạo, bà Đặng Thị Hương - Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) cho biết, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn cầu.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 32 vườn ươm doanh nghiệp, chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước. 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh, chiếm 40% tổng số của cả nước.

Bà Đặng Thị Hương - Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội).

Bà Đặng Thị Hương - Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội).

Ngoài ra, hầu hết các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đều đã thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đào tạo về khởi nghiệp cũng như đưa các nội dung về khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy.

Cùng với đó là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã tạo nguồn lực tài chính và đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP…

Trong khi đó, TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởngTrường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, bên cạnh những thuận lợi, trường còn gặp không ít thách thức lớn về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như việc hiện thực hóa các ý tưởng, dự án trong sinh viên thành những DN khởi nghiệp được triển khai vào thực tế.

Ngoài thách thức đến từ chính các sinh viên như thiếu hụt ý tưởng sáng tạo, tâm lý ngại đổi mới… thì những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hành trình khởi nghiệp của sinh viên.

Thách thức lớn nhất là việc thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở ươm tạo là việc không đơn giản. Nguyên nhân là về nguồn tài trợ cho các cơ sở ươm tạo hiện nay chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, tập trung vào mặt bằng và cơ sở nhà xưởng.

Bên cạnh đó là những thách thức về pháp lý cả trước, trong và sau khi thành lập DN. Đa số các nhóm khởi nghiệp có điểm xuất phát tương đối thấp về trình độ, nên các vấn đề liên quan pháp lý là thử thách thật sự lớn đối với các nhóm khởi nghiệp.

Nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội kiến nghị UBND TP triển khai các gói hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt, cần hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội thực hiện việc nuôi dưỡng, tiếp sức cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, đột phá. Từ đó các nhà sáng tạo, các DN công nghệ non trẻ có thể hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh và phát triển nhanh chóng thành các DN có giá trị cao.

Ngoài ra, cần tiếp tục tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho DN, DN khởi nghiệp sáng tạo.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/cham-doi-moi-cong-nghe-doanh-nghiep-kho-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau/20231024035000767