Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Năm 2023, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là 'Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030'. Dù đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS, nhưng con đường hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh này vào năm 2030 vẫn còn đó những khó khăn, thách thức.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến tháng 9/2023, cả nước có 249.000 người nhiễm HIV. Tích lũy tính đến nay, số người tử vong do HIV/AIDS là 113.689 người. Đáng lo ngại là người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa khi lứa tuổi 16-29 tuổi chiếm gần 50% trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận từ năm 2020 đến nay. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn đang là nhóm lây nhiễm mạnh nhất, chiếm tới 49%.
Trong số 10.219 ca mắc mới HIV, có hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. Trong đó, các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang có số người nhiễm HIV tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này, tiến tới chấm dứt AIDS. Đến thời điểm này, xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định. Chương trình điều trị methadone đã được triển khai tại 382 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 50.851 bệnh nhân, có 2.291 bệnh nhân được cấp phát thuốc methadone mang về nhà.
Cả nước hiện có 534 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó, 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế cho 177.009 bệnh nhân, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Ngoài ra, 219 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 29 tỉnh, thành phố đã cung cấp dịch vụ cho hơn 61.000 khách hàng từ đầu năm đến nay.
Hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và có những cách làm sáng tạo, phù hợp trước tình hình dịch HIV, cũng như cách tiếp cận, can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS có những thay đổi.
Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện và củng cố khung pháp lý, sự phối hợp đa ngành trong phòng, chống HIV. Các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.
Đặc biệt, tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao...
Chủ đề “Cộng đồng sáng tạo” khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt để HIV và AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cham-dut-dich-benh-aids-vao-nam-2030-post469773.html