Chấm dứt hoạt động các cơ sở ngoài quy hoạch
Liên tục xảy ra dịch bệnh trên phạm vi rộng gây thiệt hại nặng về kinh tế, nguy cơ lây lan bệnh tật sang người, mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường… đã, đang tồn tại trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Do vậy, khi Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 sẽ từng bước thắt chặt để tiến tới chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm ngoài quy hoạch, cơ sở chăn nuôi trong khu đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường…
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi theo mô hình nông hộ, gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Nhiều hộ dân, chủ trang trại đã xây mới hoặc cơi nới chuồng trại, để mở rộng quy mô chăn nuôi, khiến môi trường ngày càng ô nhiễm, nhiều loại mầm bệnh phát sinh gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân xung quanh. Nguyên nhân được xác định là hầu hết các điểm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải hoặc có nhưng dung tích chứa nhỏ nên người chăn nuôi tận dụng khe suối tự nhiên để tiêu thoát. Các chất thải, nước thải từ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến không khí, nước mặt và nước ngầm.
Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh Chăn nuôi. Trong đó, Luật Chăn nuôi 2018 nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Quy định này sẽ tác động mạnh đến tình hình chăn nuôi của tỉnh nhưng sẽ là giải pháp tích cực để quản lý và giảm thiểu tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 520,6 nghìn con lợn, khoảng 43 nghìn con bò; trên 52 nghìn con trâu; 12,8 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, việc chăn nuôi phát triển chủ yếu theo quy mô nông hộ, còn chăn nuôi theo mô trang trại hiện đại có tăng hàng năm nhưng chưa nhiều.
Chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập chính của một bộ phận không nhỏ người dân trong tỉnh nên việc vận động hộ chăn nuôi di dời ra khỏi khu dân cư là việc không dễ. Cùng với đó, một số địa phương trong tỉnh cũng khó bố trí quỹ đất cho các khu chăn nuôi tập trung. Việc quy hoạch khu vực chăn nuôi tại cả 9 huyện, thành, thị hiện nay chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi năm 2018, ngành Nông nghiệp và PTNT của tỉnh; 9 huyện, thành, thị nên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người dân. Quan trọng hơn nữa là ngành chức năng của tỉnh nên tập trung rà soát, đánh giá toàn diện Đề án Phát triển chăn nuôi của tỉnh để đưa ra phương án hạn chế chăn nuôi tự phát và các chính sách khả thi.
Việc cấm chăn nuôi trong khu dân cư theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 nhằm hạn chế những tác động bất lợi đến đời sống xã hội được phần đông người dân trong tỉnh đồng tình nhưng đều đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm thể chế hóa bằng các chính sách cụ thể. Từ đó, cơ quan chức năng của Trung ương, của tỉnh xây dựng, triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp người chăn nuôi di dời cơ sở không đảm bảo theo quy định, xây dựng chuồng trại, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản tại các khu vực quy hoạch phát triển chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 774 trang trại (409 trang trại lợn và 365 trang trại gia cầm) chăn nuôi tập trung. Trong đó có 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật; 32 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và 56 trang trại an toàn dịch bệnh.
Ông Trần Minh Tuân, chủ cơ sở chăn nuôi tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên): Tôi đồng tình việc tập trung chăn nuôi tại các khu vực có quy hoạch để phòng ngừa tốt dịch bệnh, người chăn nuôi không phải chi phí lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, gia đình tôi đã ký hợp đồng thuê đất, đầu tư xây dựng công trình nên giờ di chuyển mà không được Nhà nước hỗ trợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bị gián đoạn chăn nuôi, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.