Chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; khắc phục tình trạng khai thác lãng phí gây thất thoát tài nguyên khoáng sản…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo tới các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV trong đó có giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Theo kế hoạch, sáng ngày 4/6, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

GẦN 56.000 TỶ ĐỒNG THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Thống kê đến tháng 12/2023, cả nước có khoảng gần 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng thông thường như: đá, sét, cát, sỏi, than, đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, đá ốp lát…

Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 19 Giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp và 199 Giấy phép khai thác khoáng sản theo các loại hình khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường (các cơ quan tương đương) cấp phép đang còn hiệu lực.

Khoáng sản quý hiếm (kim loại quý: Vàng, bạc, đá quý, đất hiếm, bauxit, titan...), đến ngày 31/12/2023, trên cả nước đã cấp 8 Giấy phép thăm dò và 62 Giấy phép khai thác (còn hiệu lực).

Thông tin về công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo số liệu thống kê, Bộ đã cấp 369 Giấy phép thăm dò khoáng sản; cấp 534 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 51 loại khoáng sản.

Hiện nay, có tổng số 3.393 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh đang có hiệu lực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về tài chính trong hoạt động khoáng sản, đến ngày 31/12/2023, Bộ và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng với tổng số tiền phê duyệt trên 61.441 tỷ đồng. Về kết quả thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, số tiền đã thu được từ năm 2014 đến 31/12/2023 là 55.887 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến ngày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh đã triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực. Kết quả đấu giá tăng trung bình từ 20-40% so với giá khởi điểm.

Trong giai đoạn 2012-2023, đã có 256 cuộc thanh tra, kiểm tra được thực hiện đối với lĩnh vực khoáng sản, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép” và biện pháp khắc phục hậu quả với một số tổ chức.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đã dần lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, giảm dần các vụ vi phạm, tạo môi trường bình đẳng hơn trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, buộc các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính… đã thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực khoáng sản theo thẩm quyền và đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng năm các địa phương tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng;

Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản hàng năm cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng cao; từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản.

QUẢN LÝ CHẶT CHẼ, SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ KHOÁNG SẢN

Bên cạnh những kết quả trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản; trong chiến lược khoáng sản; trong quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản…

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 9 nhóm giải pháp thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản.

Thứ nhất,tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 để bổ sung, hoàn thiện nội dung về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Trong đó, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; Bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; góp phần xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ hai,đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tại các vùng có triển vọng như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên và ven biển; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch, đảm bảo dự án khai thác, chế biến (tuyển) sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội, đảm bảo nguyên liệu ổn định, lâu dài cho dự án chế biến sâu.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo hướng thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; ưu tiên cấp phép dự án khai thác khoáng sản cho tổ chức doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với địa chỉ sử dụng khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản...

Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản, cung cấp thông tin về tình hình khai thác, chế biến sau cấp phép..

Thứ năm, khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích việc tích tụ tài nguyên từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các mỏ/cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, áp dụng công nghệ hiện đạib.

Thứ sáu, duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bôxít- alumin- nhôm, đất hiếm,.. trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản. Xây dựng cơ chế để khuyến khích, tiến tới bắt buộc các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Thứ bảy,đẩy mạnh hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, bảo vệ môi trường, an toàn lao động và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị tài nguyên khoáng sản, quan trắc, dự báo, quản trị môi trường, điều khiển tự động nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên…

Thứ tám, đối với giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản cát biển và tài nguyên khoáng sản cát, sỏi lòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” đảm bảo chất lượng, thời hạn, nhằm kịp thời chuyển giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyển quản lý, lập quy hoạch, thăm dò, khai thác;

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, tối đa khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, giao thông và lĩnh vực khác nhằm phát triển kinh tế xã hội bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu…

Thứ chín, đối với giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản đất hiếm, sớm thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”.

Đồng thời bố trí nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo cho điều tra, đánh giá và thăm dò đầy đủ về tài nguyên, trữ lượng đất hiếm làm cơ sở hoạch định cho các mục tiêu phát triển của đất nước. Tiếp tục nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ khai thác, thu hồi, chế biến sâu đất hiếm.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cham-dut-hoat-dong-cac-du-an-khai-thac-che-bien-khoang-san-su-dung-cong-nghe-lac-hau.htm