Chấm dứt nhiệm vụ của chủ tịch quận, huyện từ 1/7/2025
HĐND, UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động từ ngày 1/7.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gửi Quốc hội. Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 5/5).
Để bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp liên tục, thông suốt, dự thảo Luật quy định thời hạn thi hành từ ngày 1/7. Đồng thời, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 hết hiệu lực từ ngày 1/7.
"HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động kể từ ngày 1/7, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 54 của dự Luật này", dự thảo Luật nêu rõ.

Chấm dứt nhiệm vụ quyền hạn của chủ tịch quận, huyện từ 1/7 (Ảnh minh họa).
Theo khoản 6 Điều 54, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.
Nhiệm vụ này phải bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Dự thảo Luật cũng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất.
Trường hợp nội dung công việc, hồ sơ thủ tục hành chính đó liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp trở lên hoặc có nội dung phức tạp thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình tiếp tục giải quyết.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi được trình Quốc hội quy định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đặc khu), không tổ chức cấp huyện.
Bên cạnh đó, Dự Luật cũng bãi bỏ Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; Bãi bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 9 và Điều 10 của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bãi bỏ Điều 7, Điều 8 của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và bãi bỏ khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nghị quyết số 169/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng cũng được đề xuất bãi bỏ...