Chấm dứt tình trạng 'chậm' quyết toán dự án hoàn thành
Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết quyết toán dự án hoàn thành là khâu cuối cùng trong quá trình thực hiện dự án và là 'công việc không ai muốn làm', vì thế đã dẫn đến sự chậm, muộn của công tác này trong nhiều năm qua.
PV: Xin ông cho biết vai trò của công tác quyết toán dự án hoàn thành (QTDAHT) sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong đầu tư công hiện nay?
Ông Dương Bá Đức: Công tác QTDAHT có ý nghĩa quan trọng bởi giá trị QTDAHT là kết quả đầu ra của dự án. Việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán giúp xác định toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư; xác định giá trị công trình bàn giao cho cơ quan, đơn vị sử dụng; theo dõi sổ sách, hạch toán, quyết toán giá trị tài sản… theo quy định của pháp luật.
Qua việc quyết toán, đội ngũ cán bộ làm công tác quyết toán đã kiến nghị cấp có thẩm quyền và các cơ quan, ban, ngành liên quan những giải pháp để tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các dự án thường trải qua nhiều năm với chế độ, chính sách có sự thay đổi. Mặt khác, nhiều địa phương cũng “lơ là” việc này, chưa có sự đôn đốc sâu sát, chấn chỉnh kịp thời nên tình trạng công trình, dự án sau khi đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện việc lập hồ sơ quyết toán để trình thẩm tra, phê duyệt còn nhiều.
Tình trạng này đã gây ra những hệ quả không tốt như: Việc không thanh toán dứt điểm công nợ cho các nhà thầu dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản; chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kéo dài việc thanh toán qua nhiều năm với biến động trượt giá làm khó khăn về tài chính đối với các đơn vị thi công. Việc chậm phê duyệt QTDAHT cũng dẫn đến chậm trễ trong công tác hạch toán, theo dõi, quản lý, khai thác sử dụng tài sản hình thành sau đầu tư…
PV: Với vai trò quan trọng như vậy, nhưng từ nhiều năm nay, công tác QTDAHT lại luôn bị chậm, muộn. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Dương Bá Đức: Việc QTDAHT đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực hiện một cách nghiêm túc. Thực tế thời gian vừa qua, có địa phương, bộ, ngành làm tốt. Ngược lại có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt, vì thế các DAHT chưa được quyết toán vẫn còn nhiều.
Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng theo tôi, phải thẳng thắn nhìn nhận, quyết toán là việc không ai muốn làm. Vì khi dự án kết thúc phải tập hợp hồ sơ, chứng từ của toàn bộ các khâu trước đó từ nhà thầu, thi công, chủ đầu tư… nên đã gây ra tâm lý “ngại” cho các cán bộ làm công tác này. Đồng thời, trước đây, việc bố trí vốn không tập trung, không đảm bảo thời gian thực hiện dẫn đến dự án bị kéo dài, thời gian hoàn thành dự án chậm cũng đưa đến việc sơ hồ quyết toán bị chậm.
Hơn nữa, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong QTDAHT, chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để đẩy nhanh công tác quyết toán. Một số nhà thầu chậm trễ trong quá trình quyết toán (như giải trình số liệu, đối chiếu vật tư không phù hợp trong quá trình dự án thực hiện kiểm toán…) dẫn đến dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, công tác lập báo cáo QTDAHT thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhận thức và năng lực về quản lý đầu tư và xây dựng của một số chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế nên chất lượng hồ sơ quyết toán một số dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Ngoài ra, hiện nay tại nhiều xã trên địa bàn các tỉnh còn thiếu cán bộ có trình độ năng lực về QTDAHT nên chưa thể tự thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án do cấp mình đầu tư mà phải gửi hồ sơ lên phòng tài chính - kế hoạch các huyện, thành phố để thẩm tra, phê duyệt. Trong khi đó, cán bộ tại phòng tài chính - kế hoạch của các huyện, thành phố còn thiếu và phải làm kiêm nhiệm nhiều việc nên đã ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán chung của cả nước…
PV: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục có giải pháp gì trong thời gian tới để công tác QTDAHT trở thành nhiệm vụ, thành “thói quen” của từng bộ, ngành, địa phương mỗi khi dự án hoàn thành là phải thực hiện ngay, thưa ông?
Ông Dương Bá Đức: Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định 99/2021/NĐ - CP (NĐ99) quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trong đó có nội dung về QTDAHT. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 96/2021/TT-BTC quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.
Để xác định vai trò của nhà thầu, chủ đầu tư trong việc QTDAHT, tại NĐ99 cũng có những chế tài xử lý cụ thể. Đơn cử như, các địa phương phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những chủ đầu tư, nhà thầu chậm thực hiện QTDAHT để làm căn cứ không cho phép triển khai các dự án mới. Chỉ khi nào các chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo việc quyết toán đã hoàn thành mới cho phép tổ chức lựa chọn nhà thầu để tiếp tục thực hiện các dự án mới.
Bên cạnh đó, qua thực tế kiểm tra việc điều hành phân bổ vốn đầu tư hàng năm, Vụ Đầu tư cũng đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành, quyết toán hoặc đang chờ phê duyệt quyết toán mà còn thiều vốn, các dự án hoàn thành trong năm tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời trong quá trình kiểm tra, nhận xét việc phân bổ vốn hàng năm của các bộ, địa phương, chúng tôi cũng đều đề nghị các địa phương phải rà soát, bố trí đủ vốn cho các dự án này để thực hiện quyết toán.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư
Vụ Đầu tư đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án vốn đầu tư công và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 quy định hệ thống biểu mẫu sử dụng trong công tác quyết toán. Thời gian tới, Vụ Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tọa đàm, tập huấn về công tác này để các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thống nhất cách hiểu, cách làm, từ đó sẽ giúp đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành, không để tình trạng chậm, muộn xảy ra.