Chấm dứt xung đột Nga- Ukraine trước ngày ông Trump nhậm chức là cách Mỹ khẳng định sự hùng mạnh

Kênh NBC News của truyền hình Mỹ ngày 14/12 đưa tin một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine – Nga sẽ nhanh chóng ban hành, mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.

 Ông Zelensky trong một lần gặp ông Trump tại Mỹ. Ảnh: New York Times

Ông Zelensky trong một lần gặp ông Trump tại Mỹ. Ảnh: New York Times

Theo đó, ông Trump mong muốn có lệnh ngừng bắn ở Ukraine đúng ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.

Để hiện thực hóa mong muốn nói trên của ông Trump, trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 13/12, ông Keith Kellogg, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm Đặc phái viên giải quyết vấn đề Ukraine và Nga, bày tỏ sự tin tưởng xung đột ở Ukraine có thể được giải quyết nhanh chóng với sự tham gia tích cực của chính quyền mới của Mỹ.

Theo ông Kellogg, Tổng thống đắc cử Trump có quyết tâm và kế hoạch hành động chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột.

Đội ngũ của ông Trump đã gặp và thảo luận với đội ngũ an ninh Nhà Trắng sắp mãn nhiệm và giới lãnh đạo Kiev. Phó Tổng thống Mỹ đắc cử J.D. Vance và Keith Kellogg – đặc phái viên về Ukraine – đã gặp Andrey Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, hồi tuần trước.

Còn Cố vấn an ninh của Tổng thống Joe Biden – ông Jake Sullivan – đã liên lạc với người kế nhiệm tiềm năng Mike Waltz để “chia sẻ các thông tin có liên quan” về tình hình xung đột Nga – Ukraine.

Các cuộc thảo luận nhằm đảm bảo ông Trump không bị bất ngờ trước bất kỳ động thái nào về Ukraine của chính quyền Joe Biden trước ngày 20/1/2025, ngày tổng thống đắc cử nhậm chức.

“Mục tiêu là để thế giới hiểu rằng, kể cả trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, Mỹ vẫn luôn là một quốc gia mạnh mẽ, hoạt động vì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới”, Brian Hughes – người phát ngôn thuộc đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump – nói.

Trả lời phỏng vấn của Fox News (báo Mỹ), ông Kellogg không loại trừ khả năng Tổng thống Mỹ đắc cử Trump có thể mời Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Zelensky tới dự lễ nhậm chức ở Washington và đàm phán.

Ông Kellogg tin rằng, dưới thời Tổng thống Trump, mọi thứ đều có thể, vì ông Trump "suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường", ý chỉ những quyết định đưa đến thành công của ông Trump trong cuộc tranh cử và đối mặt với nhiều khó khăn trước đó.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga có thể đàm phán với Ukraine dựa trên các thỏa thuận tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng Kiev phản đối điều này, vì vậy Moscow vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự.

Ngày 14/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao phát biểu, xung đột ở Ukraine chỉ có thể giải quyết khi có sự tham gia và đối thoại trung thực của Nga.

Tổng thống Putin cũng nêu các điều kiện tiên quyết để dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, bao gồm Kiev rút quân đội khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, phương Tây rút mọi lệnh trừng phạt chống Nga và củng cố vị thế Ukraine trung lập, không liên kết và phi hạt nhân.

Truyền thông mới đây còn rộ tin ông Trump có kế hoạch mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức. Đây là lời mời chưa từng có tiền lệ, cho thấy ông Trump tái định hình mối quan hệ Mỹ- Trung hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.

Sự sẵn lòng của ông Trump với ông Tập có thể mang lại những cơ hội mới trong quan hệ Mỹ - Trung. Bất kỳ tiến triển nào trong việc tách Trung Quốc ra khỏi các liên minh với các đối thủ của Mỹ như Nga, Iran... đều là chiến thắng đáng kể của Mỹ. Tương tự, việc nối lại đối thoại về thương mại và sở hữu trí tuệ có thể giúp ổn định quan hệ kinh tế, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu.

TS ( từ TPO,kinhtedothi.vn,nguoiduatin.vn)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-truoc-ngay-ong-trump-nham-chuc-la-cach-my-khang-dinh-su-hung-manh-post304358.html