Chậm giải ngân vốn đầu tư công chuyển nguồnTin khácChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19THÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHIỆM KỲ 2021 – 2026

Trong năm 2020, các đơn vị quản lý vốn đầu tư công cấp tỉnh và huyện được trung ương và tỉnh cho phép chuyển nguồn kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công sang năm 2021 với kinh phí hơn 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2021, các chủ đầu tư mới giải ngân được 130,8 tỷ đồng tương đương 61% kế hoạch đề ra.

Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, các nguồn vốn chuyển nguồn kéo dài từ năm 2020 sang giải ngân năm 2021 gồm: vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn giảm nghèo bền vững; vốn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 (Quyết định 2085); vốn kết dư ngân sách trung ương năm 2020 và một số nguồn vốn khác.

Nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thiện công trình đường Dự Định – Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn

Nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thiện công trình đường Dự Định – Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn

Huyện Tràng Định là đơn vị có số vốn chuyển nguồn kéo dài từ năm 2020 sang giải ngân trong năm 2021 lớn nhất với hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 15,1 tỷ đồng; vốn giảm nghèo bền vững 4,6 tỷ đồng; vốn Quyết định 2085 là 70 triệu đồng và vốn chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 327 triệu đồng.

Tính đến đầu tháng 12/2021, theo thống kê sơ bộ, kết quả giải ngân của huyện được 10,5/20,1 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân được 7,5/15,1 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân được 3/4,6 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khối lượng giải ngân của huyện Tràng Định đạt thấp bởi nhiều công trình xây dựng nông thôn mới triển khai chậm, một công trình hoàn thành còn dư vốn nhưng việc điều hòa nguồn để điều chuyển sang cho các công trình còn thiếu vốn chưa được thực hiện kịp thời dẫn đến “om” vốn.

Bà Chu Lệ Hằng, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Tràng Định cho biết: Việc chậm điều hòa nguồn vốn giữa các công trình trong cùng một nguồn vốn có sự thiếu sót của cơ quan tham mưu. Để khắc phục, đến cuối tháng 11/2021, phòng và các cơ quan liên quan đã tham mưu điều hòa nguồn vốn xây dựng nông thôn mới từ các công trình còn dư vốn sang các công trình khởi công mới hơn 4,5 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án đầu tư huyện đang đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu đến 31/12/2021 phải hoàn thành nguồn vốn này. Đối với nguồn vốn giảm nghèo bền vững và một số nguồn vốn khác, do các công trình đã hoàn thành sau khi thực hiện quyết toán còn dư vốn, phòng sẽ sớm tham mưu cho UBND huyện chuyển trả về ngân sách Nhà nước.

Ngoài huyện Tràng Định, huyện Bắc Sơn cũng là đơn vị có nguồn vốn chuyển nguồn để giải ngân lớn với số gần 20 tỷ đồng gồm: vốn thực hiện theo Quyết định 2085 là 16,8 tỷ đồng; vốn xây dựng nông thôn mới 2,1 tỷ đồng; vốn chương trình giảm nghèo bền vững 683 triệu đồng và một số nguồn vốn khác. Tính đến đầu tháng 12/2021, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã giải ngân xong, nguồn vốn còn tồn chưa giải ngân tập trung chủ yếu ở công trình đường Dự Định – Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ sử dụng nguồn vốn theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kế hoạch vốn kéo dài hơn 16,1 tỷ đồng.

Việc giải ngân chậm đối với công trình này do việc triển khai thi công của nhà thầu rất ì ạch. Theo kế hoạch dự án phải hoàn thành trong tháng 9/2021, tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2021, dự án mới thực hiện được 90% giá trị hợp đồng xây lắp và khối lượng giải ngân mới thực hiện được hơn 9,1/16,1 tỷ đồng.

Đây là hai trong số 8 đơn vị cấp huyện, thành phố giải ngân nguồn vốn chuyển nguồn chậm nhất trong năm 2021. Các huyện, thành phố khác nguồn vốn chuyển nguồn không lớn nhưng đến đầu tháng 12/2021 vẫn chưa giải ngân hoàn thành, cụ thể: thành phố Lạng Sơn giải ngân được 10/15 tỷ đồng; Cao Lộc giải ngân được 4/4,7 tỷ đồng; Văn Quan giải ngân được 1,3/1,6 tỷ đồng; Bình Gia giải ngân được 1,8/2,2 tỷ đồng…

Đối với cấp tỉnh, kết quả giải ngân nguồn vốn chuyển nguồn có cao hơn nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Đến nay, các chủ đầu tư giải ngân đạt 65% kế hoạch, riêng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân được 67/95 tỷ đồng đạt 70% kế hoạch.

Theo quy định, nguồn vốn chuyển nguồn kéo dài từ năm 2020 sang giải ngân năm 2021 chỉ được giải ngân đến hết 31/12/2021. Thời gian để hoàn thành giải ngân không còn nhiều, do vậy, các chủ đầu tư được giao quản lý nguồn vốn cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để thực hiện kế hoạch vốn được giao, tránh để bị cắt vốn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công của tỉnh còn nhiều khó khăn.

TRANG NINH

THANH HUYỀN - TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/467157-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-chuyen-nguon.html