Chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2020: Cấp bách gỡ vướng để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn rất thấp. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân đang là nhiệm vụ cấp bách để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19…
Giải ngân vốn nước ngoài - Mới đạt hơn 13% dự toán
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 cho thấy, tính đến hết ngày 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.
Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành Trung ương là 2.815 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,46% so với dự toán được giao; giải ngân của các địa phương là 4.611 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,98% so với dự toán được giao.
Riêng đối với TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Tuy nhiên, thành phố này đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án (Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh) trị giá 4.600 tỷ đồng.
Trường hợp UBND thành phố, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung cũng chỉ có thể đạt mức khoảng 40%.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, con số giải ngân 7.427 tỷ đồng vốn đầu tư công có nguồn gốc nước ngoài chỉ đạt 13,1% so với dự toán nhưng cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/7,427 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân phần vốn của năm 2019 chuyển sang là 7.198 tỷ đồng.
“Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn rất thấp. Với khoảng 6 tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều, là thách thức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020…
Vẫn nhiều vướng mắc
Chậm giải phóng mặt bằng, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài là những nguyên nhân cố hữu làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 (do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA...
Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thí điểm rút vốn điện tử qua hệ thống của WB nhưng quá trình này triển khai khá chậm, vướng mắc từ phía WB. Đến nay, mới có 8 dự án đồng ý thí điểm và mới có 3/8 dự án thực hiện tải hồ sơ rút vốn điện tử lên hệ thống WB...
Liên quan đến vướng mắc về văn bản, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông dẫn chứng việc thực hiện các quy định theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ (về chi phí đầu tư xây dựng công trình) được ban hành đã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn xác định định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, đơn giá xây dựng công trình...
Đây cũng là vướng mắc mà nhiều bộ, địa phương đang gặp phải. Do đó, tại Hội nghị, đại diện Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội... đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2019/NĐ-CP để khắc phục các khó khăn đang gặp phải.
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chia sẻ những vướng mắc khi thực hiện các quy định tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó (Nghị định 132/2018/NĐ-CP, Nghị định 16/2016/NĐ-CP) đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay. Điều này dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.
Ghi nhận ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vay vay nước ngoài nói riêng...”- Thứ trưởng khẳng định.
Kiến nghị giảm kế hoạch, điều chuyển vốn đến nơi có điều kiện và khả năng giải ngân
Để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương một loạt nội dung, trong đó, kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét đề xuất của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án để có tập huấn việc thực hiện Nghị định số 56/2020/NĐ-CP...