Chậm giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Nửa đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 35,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đồng thời đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các dự án.

Thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công

Phóng viên (PV): Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng 6 tháng, tỷ lệ thực hiện nguồn vốn này mới bằng 35,3% kế hoạch năm, ước đạt 192,2 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng đánh giá sao về kết quả này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VÂN NAM

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VÂN NAM

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đúng là con số đó chưa đạt kỳ vọng và đó là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân vốn thấp, đồng thời liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế giải ngân các năm cho thấy, tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

PV: Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân tác động trực tiếp tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2022 có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án. Đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá... Hơn nữa, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7-2021 nên thực tế đầu năm nay chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Nhân nói về việc triển khai các dự án mới, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đấy chính là một điểm yếu cốt lõi dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ngoài chuyện chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn thì còn có chuyện các bộ, ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Do vậy, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ, ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết do dự án chưa xong thủ tục... Nếu chất lượng chuẩn bị dự án thấp, quản lý đất đai không tốt nữa thì sẽ dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn, có khi phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục. Thủ tục vì thế sẽ kéo dài thêm, do vậy, khó mà triển khai và giải ngân nhanh được.

Cầu qua vịnh Cửa Lục thuộc tuyến đường bao biển tỉnh Quảng Ninh sử dụng vốn đầu tư công, được đưa vào sử dụng đầu năm 2022. Ảnh: BẢO LINH

Cầu qua vịnh Cửa Lục thuộc tuyến đường bao biển tỉnh Quảng Ninh sử dụng vốn đầu tư công, được đưa vào sử dụng đầu năm 2022. Ảnh: BẢO LINH

Cần chuẩn bị dự án từ sớm, nhất là về mặt bằng

PV: Nói như vậy, việc giao vốn chậm, triển khai chậm còn là do thể chế, chính sách. Có chuyện này hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Liên quan đến đầu tư công, thời gian qua, chúng ta đã có những đổi mới quan trọng. Cơ bản đã phân cấp, phân quyền toàn bộ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được toàn quyền quyết định tất cả các khâu, các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư công. Chúng ta cũng đã đổi mới tư duy và phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, chuyển từ quản lý, điều hành bằng văn bản dưới luật sang quản lý bằng Luật Đầu tư công, thay đổi từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm... Nhờ vậy, thời gian qua đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phê duyệt dự án không gắn với khả năng cân đối vốn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trước đây, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn nói về chuyện giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, rồi điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm lâu, khó khăn nhưng giờ đã giao hết, giao một lần vào cuối năm trước, trong năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được toàn quyền điều chuyển vốn giữa các dự án do mình quản lý, từ dự án có nhu cầu vốn thấp sang dự án có nhu cầu vốn cao... Quy trình, thủ tục đã rõ, việc chậm giao là do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Chậm giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Còn về thể chế, đúng là vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định nhưng không chỉ do Luật Đầu tư công. Một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện thì phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác, như: Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác... Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế.

 Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: BẢO LINH

Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: BẢO LINH

PV: Bộ trưởng có thể lấy ví dụ cụ thể về vướng mắc thể chế gây khó khăn cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ví dụ, vừa rồi, khi các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương, nhiều nơi đề nghị sửa khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản theo hướng quy định là “tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản”. Quy định hiện hành đang gây khó khăn cho việc khai thác đất đá để san lấp mặt bằng các dự án và khiến nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ. Như vậy, chỉ một quy định tưởng là đơn giản mà lại ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân các dự án. Chỉ một khâu vướng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.

PV: Làm thế nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là câu hỏi đang chờ lời giải đáp, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, không chỉ quan tâm giải quyết trước mắt mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển. Ngoài ra, không chỉ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công mà cần quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Một yếu tố rất quan trọng là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa; chuẩn bị dự án thật tốt để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Đặc biệt, cần nhìn nhận trực diện vào những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu... Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

VŨ DUNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nguyen-nhan-chu-quan-la-chu-yeu-699818