Chăm lo ăn, học cho con trẻ ở trường vùng cao biên giới
Trong những năm qua, việc tổ chức nấu ăn bán trú tại các trường học ở huyện Sốp Cộp được quan tâm, nhất là việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh, góp phần duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đến thăm Trường THCS Púng Bánh, xã Púng Bánh, có đông học sinh đang tưới nước, nhổ cỏ, chăm sóc những luống rau xanh tốt, với đủ các loại, như: Rau cải, mồng tơi, rau muống, cà chua... Cô giáo Đặng Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường có 109 học sinh bán trú; trong đó có 41 học sinh ăn, ở tập trung tại trường. Chúng tôi luôn quan tâm tới bữa ăn của học sinh, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà trường đã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm để chủ động nguồn thực phẩm tươi ngon, chất lượng. Thành lập Tổ giám sát bán trú, gồm đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên, Ban thanh tra, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh thường xuyên giám sát, kiểm định chất lượng, định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm các món ăn. Thực đơn, khẩu phần ăn, số lượng học sinh ăn bán trú được công khai hằng ngày. Nhiều năm nay, nhà trường không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Rời Trường THCS Púng Bánh, đến Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Nà Khoang, xã Mường Và, đúng lúc học sinh bán trú bắt đầu bữa cơm tối. Trong khu nhà ăn được xây dựng kiên cố, rộng rãi và khang trang, bàn ăn được sắp xếp gọn gàng, trên bàn là những suất cơm nóng hổi. Vừa nhận suất cơm của mình, em Hàng A Chư, lớp 9B, chia sẻ: Nhà em ở bản Phá Thóng, cách trường hơn 30 km. Từ năm lớp 6, em được nhà trường bố trí cho ở bán trú và hỗ trợ chi phí. Ở bán trú, ngoài giờ học em còn tham gia thể dục, thể thao; được các thầy, cô hướng dẫn ôn bài...
Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Nà Khoang có hơn 1.047 học sinh; trong đó 388 học sinh bán trú ăn ở tại nhà trường. Thầy giáo Trần Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, nói: Những năm qua, công tác VSATTP luôn được nhà trường quan tâm, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nhà trường đã thuê nhân viên nhà bếp, là những người có đầy đủ giấy chứng nhận tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm về nấu ăn cho các em. Hiện, nhà trường có 23 phòng ở bán trú, trường đã thành lập Ban Quản lý bán trú, phân chia nhóm trực, mỗi nhóm gồm 2 giáo viên thay phiên nhau có trách nhiệm hướng dẫn học sinh làm bài tập buổi tối.
Phụ huynh Lò Văn Thắm, ở bản Huổi Niếng, xã Mường Và có con là Lò Thị Minh Nguyệt, học lớp 7B, ở Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Nà Khoang, nói: Con gái tôi được ở tại trường, gia đình rất yên tâm vì con được nhà trương chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ và được học hành; nhất là vào ban đêm, các em được quản lý chặt chẽ, tránh được các tệ nạn xã hội.
Huyện Sốp Cộp hiện có 11 trường bậc tiểu học và THCS, 8 trường mầm non tổ chức nấu ăn bán trú tập trung, với tổng số 4.112 học sinh. Cùng với quan tâm đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc nấu ăn bán trú cho học sinh, nhất là ở các trường vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, cho biết: Ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trường học có học sinh bán trú thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh ăn uống đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Phối hợp với phòng Y tế thực hiện y tế trường học và vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học 2 lần/năm. Hằng năm, chủ động phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, y tế, nhân viên nấu ăn những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của phụ huynh tham gia giám sát việc quản lý và nấu ăn bán trú cho học sinh để các em có những bữa ăn đủ dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe...
Những bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng của các nhà trường trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã giúp các em học sinh nâng cao thể chất, yên tâm học tập, ổn định sỹ số, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở huyện vùng biên.