Chăm lo cho người lao động

Trước khó khăn chung của nền kinh tế, trong khi nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động, cắt giảm nhân sự, thậm chí phải tạm dừng hoạt động, vẫn có những doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng, quan tâm, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Khánh thành và đi vào hoạt động năm 2018, Nhà máy thủy điện Nậm Khắt (thuộc Tổng Công ty Cổ phần phát triển năng lượng Đông Nam Á) nằm trên địa bàn xã Dần Thàng (huyện Văn Bàn) có 20 công nhân. Trong số này, 80% là người dân tộc thiểu số thuộc các xã: Dần Thàng, Thẳm Dương, Dương Quỳ của huyện Văn Bàn.

Anh Đặng Ồng Ton, sinh năm 1995, dân tộc Dao ở xã Dần Thàng đã có gần 5 năm làm việc ở Nhà máy thủy điện Nậm Khắt. Bắt đầu từ vị trí công nhân xây dựng, anh được lãnh đạo nhà máy quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện học nghề. Qua một thời gian đào tạo, kiểm tra, đánh giá năng lực, anh Ton hiện đảm nhận vị trí công nhân vận hành thủy công với mức lương 9 triệu đồng/tháng.

Với mức lương trung bình từ 9 - 11 triệu đồng/người/tháng, 100% công nhân còn được sắp xếp chỗ ăn, ở miễn phí tại nhà ở tập thể của công ty. Mọi chi phí sinh hoạt như tiền điện, tiền nước đều được công ty chi trả. Chị Triệu Thị Náy, sinh năm 1992 ở xã Dần Thàng, công nhân làm việc tại tổ dịch vụ cho biết: Khu nhà ở dành cho công nhân rất rộng, mỗi căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, phòng bếp và công trình vệ sinh khép kín. Công ty còn trang bị giường, tủ, tivi, điều hòa, bình nước nóng lạnh, bếp ga, đồ dùng gia đình… Công nhân chỉ cần mang theo quần áo vào ở, không phải mua thêm thứ gì.

Hiện tại, vợ chồng chị Náy đều làm việc tại Nhà máy thủy điện Nậm Khắt. Tổng thu nhập bình quân của 2 người khoảng 14 triệu đồng/tháng.

“Ban giám đốc và công đoàn công ty luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để công nhân yên tâm làm việc. Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng vợ, chồng của những công nhân đang làm việc tại nhà máy, bố trí công việc phù hợp với năng lực của mỗi người” - anh Trần Văn Trám, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần phát triển năng lượng Đông Nam Á cho hay.

Năm 2023 là năm thị trường hàng hóa trên thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là ngành dệt may. Tuy nhiên, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam Chi nhánh Lào Cai vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2023.

Hiện tại, công ty duy trì việc làm ổn định cho khoảng 300 lao động; sản lượng sản xuất năm 2023 đạt trên 500.000 sản phẩm (chủ yếu là quần áo trẻ em các loại 100% xuất khẩu phục vụ thị trường Mỹ, EU), tăng 30% so với năm 2022; thu nhập bình quân người lao động đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trịnh Nguyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Chi nhánh khu vực Lào Cai (Tổng Công ty Babeeni Việt Nam) cho biết: Công ty tạo ra môi trường làm việc an toàn và thân thiện cho người lao động. Người lao động được đóng BHXH, BHTN, BHYT, hưởng lương tháng 13 và được khen thưởng, động viên kịp thời bằng vật chất, tinh thần khi có những đóng góp vượt trội. Ngoài ra, hằng năm, công ty đều tổ chức các sự kiện, chương trình để người lao động có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc chăm chỉ, qua đó tạo không khí làm việc hăng say, phấn khởi cho người lao động. Đây cũng là cách để tri ân người lao động đã có đóng góp công sức, cùng công ty phát triển.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Hầu hết doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng khu nhà công vụ như nhà ăn, phòng y tế, nhà ở cho công nhân, có xe đưa đón công nhân, nhà văn hóa, nhà luyện tập thể thao, nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ để phục vụ người lao động sau giờ làm việc.

 Người lao động trên địa bàn tỉnh được các tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần.

Người lao động trên địa bàn tỉnh được các tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần.

Toàn tỉnh hiện có 3.630 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến đời sống, chế độ phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, người lao động. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã nỗ lực phục hồi sản xuất, tạo những bước phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đào tạo mới, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động để họ đáp ứng được yêu cầu mới về công việc...

Trong chương trình gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Lào Cai tổ chức tháng 10/2023, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định: Sự phát triển của tỉnh Lào Cai hôm nay có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại Lào Cai tiếp tục đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững.

Hạnh phúc lớn nhất của người lao động là có việc làm, có thu nhập thỏa đáng. Việc các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tạo nhiều việc làm cho người lao động chính là động lực để họ tận tâm cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-post383847.html