Chăm lo cho người lao động: 'Chìa khóa' giúp dệt may giữ vững vị thế

Với sự quan tâm, chăm lo từ lãnh đạo đến Công đoàn, người lao động dệt may ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp, sẵn sàng thi đua, nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó góp phần nâng tầm thương hiệu.

Dệt may

Dệt may

Thị trường khó khăn, đơn hàng ít và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, song với nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, việc đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống người lao động luôn là “thước đo” để đánh giá sự tăng trưởng bền vững cũng như hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu, gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng.

Nhiều chính sách “giữ chân” người lao động

Năm 2023, tình hình sản xuất-kinh doanh chồng chất khó khăn, đặc biệt đối với ngành sợi, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá nguyên liệu liên tục biến động.

Bà Đàm Thị Phương Thoa, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Dệt 8-3, chia sẻ do tình hình sản xuất-kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm, công ty đã chủ động chạy giảm tốc độ, giảm hiệu suất kéo sợi, sản lượng trung bình cả năm bằng 80% công suất thực tế, nên công ty chưa tuyển hết định mức lao động, tuy vậy vẫn bố trí linh hoạt trong sản xuất để đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Nằm tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, xung quanh là nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp lớn, Dệt 8-3 cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động kỹ thuật phụ trách bảo toàn, bảo dưỡng. Đối với nguồn lao động địa phương, do địa bàn có nhiều khu công nghiệp có điều kiện làm việc tương đối tốt, nên người lao động có nhiều lựa chọn, do đó để tuyển dụng được nguồn lao động nghỉ việc, công ty đã thực hiện nhiều chính sách phúc lợi, lương thưởng để có được nguồn lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề.

Bên cạnh đó, với lao động phổ thông (công nhân công nghệ đứng máy), doanh nghiệp đã mở rộng địa bàn tuyển dụng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, trong đó, đối với công nhân bảo toàn, bảo dưỡng sẽ có cơ chế lương, thu nhập linh hoạt, xây dựng nhiều mức lương, đánh giá tay nghề theo định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh lương, thu nhập hoặc chính sách đãi ngộ khác… nhằm khuyến khích người lao động nâng cao chất lượng tay nghề, phát huy các sáng kiến sáng tạo có lợi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với công nhân công nghệ, Dệt 8-3 duy trì tuyển dụng khoảng 50% lao động tại các địa phương khác (Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa….), với các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ xe ngày đến làm việc, hỗ trợ xe đưa đón trong dịp Tết Nguyên Đán…

“Bên cạnh các chính sách riêng, đặc thù cho từng vị trí làm việc, công ty còn xây dựng khung chính sách chung cho toàn thể người lao động trong công ty, như cảnh quan nhà máy xanh, sạch, đẹp, bữa ăn ca được quan tâm thường xuyên; tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và nhiều cơ hội để người lao động phát huy khả năng có chế độ tiền lương thu nhập gắn liền với hiệu quả, năng suất cũng như thường xuyên nắm bắt thông tin, tư tưởng người lao động, thăm hỏi, động viên, chia sẻ kịp thời,” bà Hoa chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần May Tiền Tiến (Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến) cũng luôn chú trọng các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống để giữ ổn định nguồn lao động trong đơn vị.

Ông Đào Duy Khánh, Phó Giám đốc May Tiền Tiến, chia sẻ tại khu vực Tiền Giang, tuyển dụng lao động mới tương đối khó, nhất là lao động phổ thông, bởi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngành chế biến nông sản và da giày…

Chưa hết, sau khi tuyển dụng và đào tạo có tay nghề, tình trạng người lao động nghỉ việc cũng xảy ra khá phổ biến. Do đó, để bố trí sản xuất với các thời điểm đơn hàng nhiều, cần người lao động tại các khâu không cần kỹ thuật như đóng hàng, dán nhãn… doanh nghiệp buộc phải thuê lao động ở bên thứ 3. Những công ty này, họ có thể bố trí được đủ số lượng lao động phổ thông tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Thực tế, với lao động tại các nhà máy, ngoài tính kỷ luật và tác phong công nghiệp, người lao động thường bị “gò bó” thời gian. Vì thế, tuyển dụng tại khu vực miền Tây hiện nay tương đối khó khăn, mặc dù nguồn lao động phổ thông có sẵn, thậm chí dôi dư, nhưng khi có công ty khác thu nhập cao hơn, người lao động sẵn sàng nghỉ việc để chuyển việc.

 Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết thưởng từ 2-3 tháng lương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết thưởng từ 2-3 tháng lương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chính vì vậy, ông Đào Duy Khánh cho hay năm 2023, mặc dù tình hình đơn hàng tương đối khó khăn, có những thời điểm non tải, nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì thu nhập cho người lao động ở mức khá, có đủ thu nhập để trang trải sinh hoạt.

“Hiện ban lãnh đạo công ty đang tính đến phương án thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 để tổng thu nhập năm 2023 có thể tương đương với năm 2022, thời điểm đơn hàng thuận lợi để giữ chân người lao động,” ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho hay sau Tết Nguyên đán là thời điểm biến động lao động tương đối lớn tại khu vực phía Nam và Tiền Giang cũng không ngoại lệ, do đó việc đảm bảo thu nhập cho người lao động là yếu tố tiên quyết, được Ban lãnh đạo cân nhắc, đề xuất với Tổng Công ty May Việt Tiến phê duyệt phương án, có thể là sẽ thưởng tới 2-3 tháng lương nhằm ổn định hoạt động sản xuất-kinh doanh sau Tết âm lịch.

Đón cơ hội để bứt phá

Trải qua một năm 2023 đầy khó khăn, sóng gió đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đuối sức. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May-Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, chia sẻ tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh năm vừa qua đã chứng kiến một đợt sa thải tương đối lớn của rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì không có đơn hàng sản xuất, trong đó có cả những doanh nghiệp dệt may.

Do đó, với tình hình thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc thì hầu hết các doanh nghiệp chưa tiếp tục tuyển dụng lao động mới để mở rộng quy mô sản xuất. Phần lớn đang phải hoạt động cầm chừng để duy trì việc làm ở mức tối thiểu cho người lao động.

“Các doanh nghiệp cũng phải tính toán bài toán “thu chi” và hiệu quả sản xuất, khi mà lượng lao động của dệt may rất đông so với những ngành khác, áp lực về trả lương, thù lao là tương đối lớn. Hơn hết, việc quan trọng hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp là đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường trong thời gian tới,” ông Phạm Xuân Hồng nói.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Bình Dương, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may không còn dài và có quy mô lớn như trước, với các doanh nghiệp tại khu vực Bình Dương, 2023 là một năm tương đối khó khăn, nhiều lao động nghỉ việc đã trở lại quê sinh sống...

Tuy vậy, trải qua nhiều biến động của thị trường, bà Trang cho rằng người lao động đã thấu hiểu và chia sẻ cùng với những khó khăn của doanh nghiệp nên tất cả đều mong muốn doanh nghiệp có đơn hàng để duy trì sản xuất, thu nhập được ổn định.

“Với tình hình khó khăn như hiện nay, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động cũng cần có sự hài hòa giữa hai bên và hơn hết, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của người lao động, để khi thị trường thuận lợi trở lại có bắt kịp ngay vào sản xuất,” bà Phan Lê Diễm Trang nói.

Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhìn lại một năm vừa qua, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết chất lượng tốt và ổn định là một “đảm bảo” để doanh nghiệp giành được đơn hàng. Vì vậy, các đơn vị thành viên của Vinatex luôn xác định giữ được ổn định người lao động là vấn đề cực kỳ quan trọng với ngành, vì khi thị trường khôi phục trở lại, nếu có thị trường, có đơn hàng tốt mà không có lao động thì không làm được gì.

“Vì thế, thu nhập cho người lao động năm 2023 không giảm hơn nhiều so với 2022 (từ 9,7 triệu đồng/người/tháng năm 2022 giảm xuống 9,5 triệu đồng). Đây là sự cố gắng hết sức của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn phải “thắt lưng buộc bụng” doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận, cổ tức để chi trả cho người lao động,” ông Hiếu nhấn mạnh.

 Xanh hóa trong các quy trình sản xuất được nhân rộng tại Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xanh hóa trong các quy trình sản xuất được nhân rộng tại Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho hay trong giai đoạn khó khăn như năm vừa qua nhưng tập đoàn vẫn dành gần 110 tỷ đồng chăm lo cho người lao động. Các doanh nghiệp nỗ lực tìm các giải pháp ổn định việc làm, đời sống và chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động ước đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.

Với sự quan tâm, chăm lo từ lãnh đạo đến Công đoàn, người lao động dệt may ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp, sẵn sàng thi đua, nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó góp phần nâng tầm thương hiệu Dệt may Việt Nam trên bản đồ thế giới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-chia-khoa-giup-det-may-giu-vung-vi-the-post925670.vnp