Chăm lo cho người lao động: Tạo niềm tin và gắn kết với tổ chức công đoàn

Các cấp công đoàn cần tiếp tục chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn...

Tạo sự gắn bó giữa người lao động với tổ chức công đoàn

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết về việc “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”.

Mục tiêu quan trọng của nghị quyết là xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, thu hút đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.

Chăm lo cho người lao động tạo thêm sự gắn bó với tổ chức công đoàn

Chăm lo cho người lao động tạo thêm sự gắn bó với tổ chức công đoàn

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra đến năm 2030: Phấn đấu 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn. 100% đoàn viên được thăm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn, được thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn hoặc công đoàn phối hợp tổ chức.

100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trên 50% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn” với hình thức phù hợp.

Phấn đấu dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; trên 80% cuộc đối thoại có nội dung về phúc lợi tốt hơn quy định của pháp luật; ít nhất 50% thỏa ước lao động tập thể do tổ chức công đoàn ký kết hoặc tham gia ký kết được xếp loại chất lượng đạt loại B trở lên.

Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là hệ thống chính sách, nguồn lực của tổ chức công đoàn chăm lo phúc lợi được xây dựng, phát triển toàn diện, bao phủ 100% đoàn viên, đáp ứng phần lớn các nhu cầu cơ bản của đoàn viên, người lao động, trở thành một phần của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện theo định hướng, mục tiêu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Thực tế những năm qua, các hoạt động chăm lo, nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động ngày càng hoàn thiện, có thể kể đến như: Triển khai các gói hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân, Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn…; các chương trình Chuyến bay yêu thương 0 đồng, Chuyến xe Xuân nghĩa tình, Tấm vé nghĩa tình, bữa cơm công đoàn…

Năm 2024, lần đầu tiên “Bữa cơm Công đoàn” tổ chức đại trà trong toàn hệ thống công đoàn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đoàn viên, người lao động. Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Qua nắm bắt, hàng trăm nghìn công đoàn cơ sở đã triển khai hiệu quả bữa cơm công đoàn và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ phía người lao động cũng như chủ doanh nghiệp.

Là một trong những công đoàn ngành, Công đoàn Bộ Công Thương cũng đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn”, với sự tham gia của gần 1.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đoàn viên công đoàn tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Qua đó, kết nối tình cảm giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn; tạo dựng niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với các tổ chức công đoàn trong Bộ.

Không chỉ các cấp công đoàn trong ngành, hoạt động chăm lo, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động cũng được các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội hưởng ứng tích cực.

Câu chuyện Công ty TNHH Changshin Việt Nam có kế hoạch đưa khoảng 42.000 công nhân lao động đi du lịch Đà Lạt sau nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 là một điển hình, minh chứng rõ nét cho việc gắn kết tình thân đồng nghiệp, niềm tin yêu giữa người lao động với tổ chức công đoàn, với doanh nghiệp. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mong rằng, những mô hình tốt như thế này sẽ được nhân rộng.

Giải pháp cho nhiệm vụ mới

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi có thời điểm chưa thực sự chủ động, hiệu quả; số lượng đoàn viên, người lao động được chăm lo phúc lợi chưa đạt như mong muốn; hoạt động tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thương lượng tập thể, các thỏa thuận hợp tác chưa mang lại nhiều phúc lợi thiết thực; phúc lợi từ cơ sở vật chất của tổ chức công đoàn ít về số lượng, chưa phong phú về hình thức, ưu đãi...

Từ thực tiễn triển thời gian qua, Nghị quyết mới của Công đoàn Việt Nam đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thời gian tới, đó là: Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; trong đó tập trung vào các nội dung như nhà ở, tiền lương, việc làm, thị trường lao động, thiết chế văn hóa - thể thao, giáo dục, đào tạo, đào tạo lại, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành nghề công việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại, lao động là nữ, trẻ em....

Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; Tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động chăm lo phúc lợi như: “Tết Sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Chuyến xe Công đoàn”, “Chuyến tàu Công đoàn”, “Tấm vé nghĩa tình”...

Nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý, phát triển nguồn vốn các chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức Công đoàn, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phòng, chống “tín dụng đen” trong đoàn viên, người lao động.

Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động dành nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động còn khó khăn, các đối tượng lao động yếu thế, lao động trong ngành nghề công việc đặc thù như: lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ mang thai, có con dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; quan tâm chăm lo cho cha, mẹ, vợ, chồng, con đoàn viên, người lao động ….

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn lực để chăm lo phúc lợi tốt hơn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác chăm lo phúc lợi…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực tài chính, nhất là nguồn tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà khách, cơ sở giáo dục đào tạo, văn phòng, trung tâm tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động, văn hóa, thể thao… của tổ chức công đoàn; thực hiện các chính sách chăm lo phúc lợi dài hạn; nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ quốc gia về việc làm, Tổ chức Tài chính vi mô của tổ chức công đoàn.

Thời gian tới, các cấp công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phục vụ hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động…

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-tao-niem-tin-va-gan-ket-voi-to-chuc-cong-doan-342662.html