Viễn cảnh thú cưng 'áp đảo' trẻ nhỏ khiến giới chức Trung Quốc lo lắng

Kết hôn được 7 năm, Hansen và vợ Momo chăm sóc 6 đứa con nhỏ trong căn hộ của họ ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. Nhưng họ áp dụng một thói quen nuôi dạy con hơi khác so với những ông bố bà mẹ thông thường: Họ chơi trò ném bắt với chúng và đưa chúng đi dạo hàng ngày.

Hansen, bên trái, và vợ Momo sống với sáu chú chó của họ ở Bắc Kinh và không có con. Ảnh: CNN’

Hansen, bên trái, và vợ Momo sống với sáu chú chó của họ ở Bắc Kinh và không có con. Ảnh: CNN’

Những “em bé” này thực không phải là con của Hansen và Momo, mà là "những đứa trẻ lông lá", hay "mao hai zi" trong tiếng Trung, và cặp đôi yêu chúng đến mức gọi chúng là "con gái, con trai" của mình.

"Tất cả chúng đều là một phần trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi là một gia đình lớn", Momo nói. Cô và chồng chỉ tiết lộ biệt danh vì ngại công khi nói về lựa chọn lối sống của mình – vốn trái ngược với nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh của chính phủ Trung Quốc.

Bắc Kinh đang vật lộn với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và lực lượng lao động giảm sút sau nhiều thập kỷ thực thi chính sách một con. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh vào đầu năm nay, quốc gia này cũng là một trong những nơi có chi phí tốn kém nhất thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ, vượt qua cả Australia và Pháp.

Sau khi chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và thực hiện một sự thay đổi lớn khác về chính sách sinh đẻ vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc hiện mong muốn các cặp vợ chồng sinh ba con. Nhưng Bắc Kinh đã không thành công trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh như khi họ kiềm chế dân số.

Nhiều cặp đôi Trung Quốc như Hansen, 36 tuổi và Momo, 35 tuổi, không muốn sinh con. Thay vào đó, họ đã trở thành cha mẹ nuôi thú cưng.

Chó của Hansen và Momo trên xe đẩy. Ảnh: CNN

Chó của Hansen và Momo trên xe đẩy. Ảnh: CNN

Theo báo cáo nghiên cứu tháng 7 của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dự kiến đến cuối năm nay, số lượng thú cưng ở các thành phố của Trung Quốc sẽ vượt qua số lượng trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Đến năm 2030, chỉ riêng số lượng thú cưng ở thành thị Trung Quốc sẽ gần gấp đôi số lượng trẻ nhỏ trên cả nước. Tỷ lệ sở hữu thú cưng của cả nước sẽ còn cao hơn nhiều nữa nếu tính cả số lượng chó và mèo ở vùng nông thôn.

Các ước tính của Goldman Sachs phản ánh những giá trị thay đổi của một thế hệ không còn tuân theo quan điểm truyền thống rằng hôn nhân là để sinh con và nối dõi gia đình.

“Nền kinh tế thú cưng” bùng nổ

Khi dự đoán doanh số bán thức ăn cho chó và mèo sẽ tăng đột biến, Goldman Sachs đã tiết lộ một xu hướng khiến các quan chức Trung Quốc đau đầu.

Dân số nước này đã giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ vào năm 2022. Theo các nhà phân tích thì đây là lần giảm đầu tiên kể từ nạn đói năm 1961, thời kỳ diễn ra cuộc “Đại nhảy vọt”. Một năm sau, năm 2023, Trung Quốc đã bị Ấn Độ vượt qua để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Goldman nhận thấy thức ăn cho vật nuôi là một trong những ngành tiêu dùng phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc, nơi đang mở rộng mặc dù chi tiêu vẫn còn yếu. Doanh số tăng trung bình 16% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023, tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ USD. Báo cáo cho biết thêm, giá trị của ngành này dự kiến sẽ tăng vọt lên 12 tỷ USD vào năm 2030. Trong trường hợp lạc quan nhất, thức ăn cho vật nuôi có thể trở thành ngành công nghiệp trị giá 15 tỷ USD tại Trung Quốc trong vòng 6 năm tới.

Biểu đồ cho thấy tỉ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2016, năm Trung Quốc bỏ chính sách một con, đến nay. Ảnh: CNN

Biểu đồ cho thấy tỉ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2016, năm Trung Quốc bỏ chính sách một con, đến nay. Ảnh: CNN

Đây là một bước tiến xa so với chỉ hai thập kỷ trước, khi việc nuôi thú cưng vẫn được coi là thú vui của giai cấp tư sản và mọi người chỉ nuôi các giống chó lai vì lý do an toàn.

Và thậm chí ngay cả bây giờ, việc nuôi thú cưng vẫn ở mức tương đối thấp - theo Goldman Sachs. Năm ngoái, tỷ lệ hộ gia đình nuôi chó ở các thành phố của Trung Quốc là 5,6%, thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng và tạo điều kiện cho lĩnh vực phát triển. Báo cáo của Golmand Sachs cho biết, Nhật Bản đạt tỉ lệ nuôi chó cưng là 17,5% vào năm 2009.

Dự đoán của Golmand Sachs về trẻ sơ sinh không mấy lạc quan. Báo cáo dự kiến số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ trung bình hàng năm là 4,2% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030 do sự suy giảm của phụ nữ trong nhóm tuổi từ 20 đến 35, cũng như tâm lý ngại sinh con của những người trẻ tuổi.

Nhiều cặp đôi ở Trung Quốc thấy khó khăn khi phải đối mặt với chi phí nuôi con ngày càng tăng trong thời buổi kinh tế bất ổn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, từ tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên đến cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Hiện tại, các nhà chức trách đang đưa ra một loạt các ưu đãi, từ tiền mặt đến chế độ nghỉ phép chăm sóc con cái nhiều hơn, để thúc đẩy việc làm cha mẹ.

Nhưng giống như nhiều nước láng giềng Đông Á khác, những lợi ích mới này không có nhiều tác dụng.

Dân số Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,409 tỷ người vào năm ngoái, giảm trong hai năm liên tiếp. Tỷ lệ sinh cũng giảm xuống còn 6,39 ca sinh trên 1.000 người, mức thấp nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Thay đổi tư duy

Cô Tao, 38 tuổi, điều hành Space, một nhà nghỉ dành cho chó ở Bắc Kinh. Đối với cô, sở thích nuôi thú cưng đồng nghĩa cơ hội kinh doanh tốt.

Cô Tao và những "em bé" tại khách sạn thú cưng ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN

Cô Tao và những "em bé" tại khách sạn thú cưng ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN

Khi kỳ nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc đang đến gần, những người nuôi chó đang phải chật vật để tìm người chăm sóc thú cưng trong mùa du lịch cao điểm bắt đầu vào ngày 1/10.

"Chúng tôi đã gần kín lịch cho kỳ nghỉ đó", Tao nói.

Bản thân Tao cũng nuôi hai con chó và không có con. Tao cho biết gia đình từng gây áp lực để cô sinh con, nhưng cô biết đó không phải là cuộc sống mà mình mong muốn.

"Tôi thích lối sống của mình. Tôi và bạn đời sẽ đi du lịch rất nhiều. Tôi thích đi khám phá thế giới. Vì vậy, ý tưởng sinh con không đủ hấp dẫn đối với tôi", cô nói.

Tao cảm thấy tâm lý của thế hệ trẻ đã thay đổi. “Mọi người bắt đầu nghĩ rằng, ‘Đây là điều tôi muốn’ hoặc ‘Đây là điều tôi thích trong cuộc sống của mình’, thay vì ‘Đây là điều xã hội dạy tôi làm’ hoặc ‘Đây là điều cha mẹ muốn tôi làm’”, Tao nói thêm.

Mọi người dắt chó đi dạo trên phố ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, vào ngày 6/3/2024. Ảnh: Future Publishing/Getty Images

Mọi người dắt chó đi dạo trên phố ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, vào ngày 6/3/2024. Ảnh: Future Publishing/Getty Images

Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết việc sinh con và nuôi thú cưng không loại trừ lẫn nhau ở Trung Quốc. Nhưng các cặp đôi trẻ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ tình trạng thất nghiệp đến áp lực xã hội, chẳng hạn như giờ làm việc dài và nguy cơ một số phụ nữ sẽ từ bỏ sự nghiệp sau khi sinh con.

“Nếu bạn là một người ngoài 20 tuổi ở Trung Quốc và bạn cảm thấy nhu cầu nuôi dưỡng mạnh mẽ, thì việc nuôi một chú chó con, mèo con hoặc thỏ dễ hơn nhiều so với việc tìm một người bạn đời để kết hôn và sinh con”, ông Gietel-Basten cho biết.

Còn đối với Hansen và Momo, họ chỉ đơn giản là tận hưởng sự đồng hành của những “đứa con lông lá” của mình.

“Chúng tôi không chạy theo bất kỳ xu hướng nào. Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi chúng. Đó chỉ là sự lựa chọn của riêng chúng tôi”, Hansen cho biết.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/vien-canh-thu-cung-ap-dao-tre-nho-khien-gioi-chuc-trung-quoc-lo-lang-20240914163952657.htm