Chăm lo chu đáo lao động nữ

Được chăm lo toàn diện về tiền lương, phúc lợi sẽ giúp lao động nữ có thêm động lực làm việc, gắn bó lâu dài với nơi làm việc

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc thực thi chính sách dành cho lao động nữ (LĐN) là một trong những điều kiện bắt buộc phải thực hiện khi doanh nghiệp (DN) hội nhập chứ không đơn thuần là chỉ thực hiện chính sách pháp luật Việt Nam quy định. Chăm lo tốt cho lao động nói chung và LĐN nói riêng sẽ giúp DN có lợi thế trong quá trình đàm phán ký kết đơn hàng với các đối tác. LĐN được chăm sóc tốt cũng sẽ có thêm động lực gắn bó lâu dài với DN.

Bình đẳng lương, thưởng

Công ty TNHH Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài tại KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM) có gần 300 lao động, trong đó 90% là LĐN. Ngoài bảo đảm thực hiện các chế độ chính sách theo quy định dành cho toàn thể người lao động (NLĐ), công ty còn dành nhiều sự quan tâm cho LĐN.

Công ty quan tâm từ việc xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đến chế độ làm việc nhẹ, ưu tiên chỗ nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ dành cho LĐN đang mang thai. LĐN có sức khỏe kém và mang thai từ tháng thứ 7 trở đi đều có người theo dõi, hỗ trợ khi cần. Dịch vụ y tế tại công ty luôn sẵn sàng để hỗ trợ các chị em, chăm lo tốt về bữa ăn giữa ca, tiền phụ cấp nuôi con nhỏ, tiền gửi con nhà trẻ... Công ty luôn tạo điều kiện để LĐN nâng cao trình độ, các trường hợp khẳng định được năng lực chuyên môn đều được bố trí làm nhân sự quản lý. Theo ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch Công đoàn công ty, chính sách chăm lo căn cơ này không chỉ tạo động lực phấn đấu cho LĐN mà còn giúp họ thu hẹp khoảng cách với lao động nam về thu nhập.

Lao động nữ tại Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Thủ Đức, TP HCM) luôn được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Ảnh: NGÂN HÀ

Lao động nữ tại Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Thủ Đức, TP HCM) luôn được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Ảnh: NGÂN HÀ

Còn tại Công ty CP May Sài Gòn (quận Gò Vấp, TP HCM), việc xây dựng các chính sách tiền lương và đãi ngộ hợp lý cũng đã góp phần chăm lo tốt hơn đời sống LĐN. 90% trong số 4.500 lao động là LĐN, do vậy, nhiều năm qua, công ty đặc biệt quan tâm chăm lo cho đối tượng này. Ngoài xây dựng bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ban giám đốc còn có chính sách chăm lo riêng cho LĐN như: Hỗ trợ LĐN đơn thân đang nuôi con nhỏ hay chăm sóc mẹ già (từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng); trợ cấp tiền giữ trẻ hằng tháng và tiêm ngừa phòng bệnh cho con nữ công nhân (CN). Công ty cũng không phân biệt nam nữ về tiền lương, giờ giấc làm việc, riêng LĐN đang mang thai và nuôi con nhỏ được quan tâm thực hiện cao hơn luật định về thời gian làm việc và chế độ phúc lợi. Các vị trí quản lý quan trọng trong công ty đều ưu tiên bổ nhiệm LĐN.

Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Thủ Đức, TP HCM) có gần 1.000 lao động, trong đó LĐN chiếm hơn 65%. Không chỉ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, công ty còn chăm chút từng bữa ăn giữa ca và có chính sách hỗ trợ cho LĐN có con dưới 6 tuổi. Các dịp lễ Tết, LĐN là đối tượng được ưu tiên chăm sóc.

Coi trọng sức khỏe

Tại tỉnh Bình Dương, thông qua việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) chăm sóc sức khỏe sinh sản, mục tiêu các DN và Công đoàn cơ sở hướng đến là giúp LĐN nâng cao kiến thức, từ đó chăm sóc tốt bản thân.

Công ty TNHH Chí Hùng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) - 100% vốn đầu tư Đài Loan, chuyên sản xuất và xuất khẩu giày thể thao - hiện có khoảng 10.000 CN, trong đó LĐN chiếm hơn 80%. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết ngoài việc tổ chức khám sức khỏe theo quy định, Công đoàn còn thường xuyên mời các chuyên gia đến tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho LĐN. Các buổi tư vấn kết hợp với thăm khám miễn phí giúp LĐN hiểu rõ hơn tình trạng sức khỏe, từ đó điều chỉnh nếp sinh hoạt.

Công ty TNHH Hài Mỹ (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng là DN thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản cho LĐN. Thông qua chương trình, NLĐ tiếp nhận những kiến thức cơ bản để biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, từ đó hình thành nếp sống vui khỏe, lành mạnh, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chương trình này không chỉ thu hút LĐN mà còn nhận được sự quan tâm của lao động nam.

CN Nguyễn Văn Chiến cho biết anh và vợ lấy nhau 3 năm vẫn chưa có con, lúc đầu cứ nghĩ đơn giản "chắc chưa đến duyên". Thế nhưng sau khi tham gia các lớp tập huấn, vợ chồng anh mới hiểu và ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. "Tham gia các lớp tập huấn mới thấy cực kỳ bổ ích vì với những CN như chúng tôi, việc thăm khám không phải dễ dàng" - anh Chiến nói.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết việc hình thành các CLB chăm sóc sức khỏe sinh sản đã góp phần đáp ứng những nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho LĐN. Các thành viên trong CLB trở thành lực lượng tuyên truyền viên tích cực trong việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng nghiệp. Qua các buổi tư vấn, Công đoàn và DN hiểu rõ hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NLĐ, từ đó phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác chăm lo. Các chính sách đãi ngộ LĐN tại DN cũng được hình thành thông qua hoạt động của các CLB này.

NGÂN HÀ - THẢO NGUYỄN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/cham-lo-chu-dao-lao-dong-nu-20230303211801554.htm