Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số
Nông Đức Ngọc
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
LCĐT - Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập lại trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đây là chủ trương đúng và kịp thời của Đảng, Nhà nước, được Nhân dân các dân tộc hân hoan đón nhận. Từ đây, lịch sử tỉnh Lào Cai, đời sống đồng bào các dân tộc bước sang trang mới với niềm tin vào sự phát triển và quyết tâm cao nhất.
Tuy vậy, tại thời điểm đó, Lào Cai phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do lịch sử để lại. Khi mới tái lập, kết cấu hạ tầng cũng như kinh tế - xã hội rất thấp kém, giao thông từ tỉnh đến các huyện xuống cấp nghiêm trọng; 56/180 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 7/10 huyện thị chưa có điện lưới quốc gia; kinh tế tự cung, tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, sản lượng lương thực bình quân đầu người chỉ có 184 kg/năm; 55% hộ thuộc diện đói nghèo, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; điện lưới, điện thoại rất thiếu; công nghiệp kém phát triển. Văn hóa - xã hội thiếu từ cơ chế đến các thiết chế, nhiều xã “trắng” về y tế, trường học, 60% trẻ trong độ tuổi không được cắp sách tới trường...
Mục tiêu sớm đưa Lào Cai ra khỏi diện tỉnh nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra khi mới tái lập là ước mong cháy bỏng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, là niềm tin thôi thúc Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Lào Cai bước vào thời kỳ mới. Lúc này ưu tiên hàng đầu là phải định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số, sớm giảm nghèo, giảm đói cho hơn trăm nghìn đồng bào vùng cao, đồng thời không để xảy ra điểm nóng trong thôn, bản, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động. Bắt tay vào xây dựng quê hương với rất nhiều khó khăn, 67% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trên 87% dân số chủ yếu sản xuất nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp được đặt ra cấp thiết…. Để vượt qua khó khăn, qua từng nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh, với sự hỗ trợ từ trung ương, bằng các chính sách hợp lý, sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc, Lào Cai từng bước đổi thay và vươn lên.
Có được những thành quả làm thay đổi đời sống và diện mạo vùng nông thôn miền núi phải nói đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, với hàng nghìn tỷ đồng mà Đảng, Nhà nước đã dành cho đồng bào như chính sách định canh, định cư, sắp xếp dân cư; Chương trình 327; Quyết định 134; Chương trình 135; Nghị quyết 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...; các chính sách đặc thù như Quyết định 2086 về hỗ trợ phát triển dân tộc rất ít người, Quyết định 498 về chính sách phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Đây là cơ sở, là nguồn lực để đồng bào các dân tộc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã khởi sắc, từ vị trí là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Tây Bắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ, phát huy hiệu quả; kinh tế tăng trưởng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng; đã có 61/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; văn hóa, xã hội có nhiều biến chuyển tích cực; đối ngoại được mở rộng, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, biên giới ổn định. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên, hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số không còn hộ đói; quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,57%, trong đó hộ nghèo là 8,20%, cận nghèo là 9,37%; số lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề chiếm 59,5%, trong đó có rất nhiều con em đồng bào dân tộc Mông, Dao, Dáy, Hà Nhì, La Chí...
Thành tựu quan trọng đó có đóng góp rất quan trọng của đồng bào các dân tộc, đây cũng là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi và sự ổn định của tỉnh Lào Cai. Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được vận dụng vào thực hiện phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng, từng dân tộc để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, là yếu tố quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng và củng cố lòng tin, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nước.
Mặc dù thành tựu đã đạt được rất to lớn, nhưng hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chậm, tệ nạn xã hội, hủ tục vẫn là thách thức lớn. Bước vào giai đoạn phát triển mới, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ, trong đó thuận lợi là cơ hội. Đặc biệt, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là cơ hội để đồng bào các dân tộc thiểu số bứt phá vươn lên.
Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt chiến lược công tác dân tộc; kiên trì, nhất quán thực hiện nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Bước vào giai đoạn mới, cùng với sự phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc Lào Cai sẽ đồng tâm, đồng sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống mới và chỉ số hạnh phúc cao sẽ là động lực để vươn lên.