Chăm lo đời sống người dân tộc thiểu số
Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Chúng tôi đến xã Bàn Đạt, địa phương có đông người DTTS nhất huyện Phú Bình (chiếm trên 40% dân số toàn xã). Qua 4 xóm có đông người DTTS sinh sống gồm: Bờ Tấc, Cầu Mành, Đồng Quan, Đá Bạc, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất về sự đổi thay nơi đây là những con đường đất liên xóm trước kia vốn chằng chịt ổ gà, nay đã được đổ bê tông phẳng phiu, rộng rãi; nhà văn hóa các xóm được xây dựng khang trang… Ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, xã đã có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS. Bà con dân tộc nơi đây đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tham gia các mô hình phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Hộ ông Diệp Văn Vinh, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Đá Bạc là một điển hình. Ông Vinh chia sẻ: Nhà tôi có 7 sào gieo cấy lúa nhưng thường chỉ cấy 1 vụ do khó lấy nước. Năm 2016, tôi được Nhà nước hỗ trợ 4,5 triệu đồng tiền mua máy bơm. Khi chủ động nguồn nước tưới, tôi cấy 2 vụ/năm và đưa các giống lúa lai cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đến năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo. Trưởng xóm Đá Bạc Lục Thanh Lâm thông tin: Xóm hiện có 205 hộ dân, trên 90% người dân tộc Sán Dìu. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của người dân, đời sống bà con ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm từ 63,7% (năm 2014) còn 17,5% (cuối năm 2019).
Cùng với Bàn Đạt, các xã Tân Thành, Tân Hòa, Tân Kim, Tân Khánh là những địa phương tập trung đông người DTTS. Theo thống kê, toàn huyện có trên 14.400 người DTTS (chiếm 9,44% dân số toàn huyện), trong đó chủ yếu là dân tộc Nùng, Sán Dìu, Tày, Dao, Mường, Sán Chay… Những năm qua, để làm tốt công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và các chính sách đối với đồng bào DTTS. Tính riêng giai đoạn 2014-2019, huyện đã phân bổ 44,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn với giá trị 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ muối i-ốt phòng, chống bướu cổ, ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS... đều được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng…
Ông Đào Văn Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Bình cho biết: Những năm gần đây, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm từ 35,67% (năm 2014) đến nay còn dưới 14%; 100% các xã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã; 100% các xã đạt chuẩn y tế Quốc gia giai đoạn II… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực, phát huy thế mạnh của từng địa phương để hỗ trợ đồng bào DTTS có cuộc sống ngày càng tốt hơn.