Chăm lo đời sống người lao động tại các hợp tác xã
Hầu hết lao động tại các HTX được bảo đảm các quyền lợi cơ bản theo quy định. Ảnh: MINH DUYÊN
Có việc làm, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ… đó là những chế độ mà người lao động làm việc tại các HTX được hưởng. Với những chế độ này, các HTX đã và đang thu hút được người lao động gắn bó làm việc.
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 148 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động, trong đó 10 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 13 HTX vận tải, 1 HTX xây dựng, 15 HTX thương mại - dịch vụ và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Dù hoạt động trên lĩnh vực nào, các HTX cũng tạo được việc làm thường xuyên cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Hiện các HTX này giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.367 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên đã tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Ông Phan Thế Quốc, Phó Tổng giám đốc HTX này cho biết: Để cung ứng dịch vụ trồng rừng cho bà con, HTX đầu tư làm vườn ươm với diện tích 10ha, quy mô sản xuất khoảng 10 triệu cây/năm và 20ha vườn ươm cây thực nghiệm đảm bảo quy trình sản xuất và cây giống đạt chất lượng theo quy chuẩn và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương.
Hiện HTX cung ứng gần 5 triệu cây giống, đáp ứng cho trên 150.000ha của bà con thành viên và hộ nông dân. HTX cũng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất trên 600ha. Các hoạt động này mang lại tổng doanh thu trên 19 tỉ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí gần 2 tỉ đồng. HTX giải quyết việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, thời gian qua, việc các HTX xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 30 HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông sản, đã đem lại lợi ích cho thành viên, với chi phí đầu vào thấp hơn 7-8%, chất lượng sản phẩm cao, tăng được giá bán nên thu nhập của thành viên tăng từ 25-30%.
Thực hiện các chế độ
Theo Liên minh HTX tỉnh, 70% lao động thường xuyên đang làm việc tại các HTX được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số lao động còn lại không được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do quá tuổi tham gia hoặc không có nhu cầu. Đối với những lao động thời vụ, nếu có nhu cầu, HTX vẫn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hình thức tự nguyện.
Anh Nguyễn Văn Hoài, lao động tại HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Làm việc tại HTX, tôi không chỉ được hưởng lương mà còn có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được trang bị bảo hộ lao động. Ngoài ra hàng năm, HTX còn tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp nghiệp vụ nâng cao trình độ”.
Cũng theo Liên minh HTX tỉnh, người lao động làm việc tại HTX có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ neo đơn còn được tặng quà, thăm hỏi động viên vào các dịp lễ, Tết hoặc khi ốm đau theo quy định. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) cho biết: Hàng năm, theo quy định của Luật HTX 2012, đơn vị trích 5% từ nguồn thu nhập làm quỹ phúc lợi để chăm lo cho người lao động làm việc tại HTX thông qua việc thăm hỏi động viên.
Số tiền không lớn nhưng là sự quan tâm của tập thể tới từng cá nhân. Từ đây khuyến khích tinh thần giúp các hộ thành viên vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và hơn hết là tăng tình đoàn kết gắn bó trong tập thể và cộng đồng. Trong năm qua, số tiền HTX trích ra cho các hoạt động này gần chục triệu đồng.
Đặc biệt, các HTX luôn ưu tiên việc trả lương để người lao động ổn định cuộc sống. Theo ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), lao động là lực lượng quan trọng không thể thiếu của đơn vị vì họ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm.
Với HTX, quyền lợi của người lao động là ưu tiên số một nên trong mọi hoàn cảnh, HTX luôn đảm bảo lương và các chế độ khác. Từ đầu năm đến nay, do dịch COVID-19 mà hoạt động xuất khẩu gỗ mỹ nghệ của đơn vị bị ngưng trệ, nguồn thu nhập vì thế cũng không có. Nhưng không vì vậy mà HTX cắt hay chậm trả lương cho người lao động.
HTX sẵn sàng vay tiền để trả lương công nhân, đảm bảo người lao động vẫn có việc làm và thu nhập ổn định. “Chúng tôi xác định sản xuất kinh doanh không tránh khỏi khó khăn, những lúc như vậy lại càng cần giữ chân người lao động bằng việc bảo đảm các quyền lợi thiết yếu của họ. Có vậy, HTX mới vượt qua khó khăn và phát triển ổn định”, ông Thái nói thêm.
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, một thời gian dài các HTX chủ yếu quản lý sản xuất nông nghiệp nên chỉ gián tiếp tạo việc làm cho lao động nông thôn, các chế độ vì vậy còn lơ là. Từ khi các HTX đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ, sản xuất chế biến, nhu cầu lao động cũng tăng lên thì lao động nông nhàn tại các vùng nông thôn nhờ đó có thêm cơ hội việc làm.
Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống, lao động tại các HTX còn được bảo đảm các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Sự đóng góp này có ý nghĩa rất lớn giúp các HTX khẳng định vai trò của mình trong hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự và nâng cao đời sống ở các vùng quê.
Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống, lao động tại các HTX còn được bảo đảm các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Sự đóng góp này có ý nghĩa rất lớn giúp các HTX khẳng định vai trò của mình trong hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự và nâng cao đời sống ở các vùng quê.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh