Chăm lo đời sống người lao động và tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện
Dù hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh, song những năm qua, Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên (Công ty CPCN) luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống, an toàn cho người lao động để họ yên tâm công tác. Nhờ đó, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty luôn đạt mục tiêu đề ra; Công đoàn công ty hoạt động hiệu quả, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với đó, công ty rất tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ xã nghèo và những hoàn cảnh khó khăn…
Dù hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh, song những năm qua, Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên (Công ty CPCN) luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống, an toàn cho người lao động để họ yên tâm công tác. Nhờ đó, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty luôn đạt mục tiêu đề ra; Công đoàn công ty hoạt động hiệu quả, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với đó, công ty rất tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ xã nghèo và những hoàn cảnh khó khăn…
Người lao động là trung tâm
Ông Nguyễn Lệ Quế, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CPCN cho biết: Là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cấp nước tại Điện Biên, công ty còn thực hiện thêm nhiệm vụ xây lắp các công trình cấp nước, công trình xây dựng dân dụng. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi như sự phối hợp, tạo điều kiện từ cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành trong tỉnh; đội ngũ công nhân đông đảo, nhiệt tình thì công ty cũng gặp một số khó khăn do địa bàn hoạt động rộng, phân tán; hạ tầng công trình nước xuống cấp, không đồng bộ và trình độ người lao động trong công ty thiếu đồng đều…
Nhận thấy đầy đủ thực trạng khó khăn, Ban lãnh đạo công ty đã chủ động họp bàn, tìm giải pháp khắc phục với ưu tiên là quan tâm chăm lo đời sống, bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân viên - lao động (CBCNV-LĐ). Ngoài yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách lương, bảo hiểm y tế, thưởng, làm thêm giờ, công ty còn trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định cho 100% CBCNV-LĐ, như: Quần áo, mũ, các công cụ dụng cụ phòng hộ khác phục vụ cho từng bộ phận, công việc cụ thể. Công tác đào tạo và đào tạo lại được công ty quan tâm thực hiện; các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thể thao văn hóa, văn nghệ cho CBCNV-LĐ được duy trì thường xuyên.
Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Điều hành, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Không nợ lương CBCNV-LĐ, trong năm 2019, công ty còn thanh toán hơn 341 triệu đồng tiền làm thêm giờ cho công nhân; hỗ trợ tiền ăn ca cho 100% CBCNV-LĐ với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng; chi bảo hộ lao động, đồng phục và khám sức khỏe định kỳ cho CBCNV-LĐ gần 500 triệu đồng. Vào các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày truyền thống ở địa phương, đất nước; Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 hằng năm, công ty tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thăm hỏi, tặng quà công nhân, gia đình chính sách trong công ty. Qua đó, góp phần động viên công nhân - lao động hăng hái lao động, sản xuất, đồng thời cũng giúp người lao động ngày càng yên tâm đóng góp trong mọi hoạt động của công ty.
Đối với các công nhân - lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đời sống, công ty đã kêu gọi tập thể cán bộ, người lao động bằng tấm lòng chia sẻ, tương thân tương ái, ủng hộ bằng vật chất, tinh thần để động viên anh chị em đồng nghiệp. Từ sự ủng hộ của tập thể CBCNV-LĐ, trong năm 2019 công ty đã hoàn thiện hai ngôi nhà (trị giá 110 triệu đồng) tặng hai công nhân - lao động; hỗ trợ 15 triệu đồng cho ba đoàn viên công đoàn công ty. Với gia đình công nhân Nguyễn Văn Quang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (vợ anh Quang mất sớm) thì công ty tài trợ học bổng cho con gái anh Quang đến hết năm 18 tuổi với mức 12 triệu đồng/năm giúp anh Quang yên tâm công tác.
Học sinh điểm trường Mánh Đanh (bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, Điện Biên) có phòng học mới khang trang nhờ sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, Công ty CPCN còn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, chính trị tư tưởng cho CBCNV-LĐ trong công ty bằng cách phối hợp các đoàn thể tổ chức cho CBCNV-LĐ học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, công đoàn và chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết số 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức cho người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể, qua đó xác định được vai trò, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Thông qua đại hội CBCNV, người lao động phát huy được quyền làm chủ của mình và trí tuệ của tập thể, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị. Từ việc làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tới nay 100% CBCNV-LĐ trong công ty luôn yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề.
Trách nhiệm với xã hội
Được UBND tỉnh Điện Biên phân công giúp đỡ xã nghèo Nậm Tin, huyện biên giới Nậm Pồ, những năm qua, ban lãnh đạo Công ty CPCN luôn trăn trở tìm cách giúp cấp ủy, chính quyền xã Nậm Tin và người nghèo có điều kiện vươn lên. Tại các cuộc họp lãnh đạo công ty, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Lệ Quế luôn nhấn mạnh: “Giúp xã không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta”.
Sau nhiều lần thành lập đoàn công tác về xã Nậm Tin khảo sát, Ban lãnh đạo Công ty CPCN đã quyết định đầu tư 423 triệu đồng mua các giống cây ăn quả cấp cho người dân trồng, vừa phục vụ mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc. Cùng với đó, công ty lắp đặt ống dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho xã và một số mô hình điểm, giúp người dân phát triển sản xuất. Từ sự hỗ trợ tận tình của công ty, người dân xã Nậm Tin dần nâng cao ý thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tích cực chăm sóc cây giống được cấp. Hệ thống dẫn nước tưới tiêu cho xã do công ty đầu tư góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân Nậm Tin từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 68,79% (năm 2018) xuống còn 65,13%.
Chủ tịch UBND xã Nậm Tin Hờ A Lù cho biết: “Công ty đã hỗ trợ xã cả về vật chất, tinh thần, giúp người dân chuyển đổi thói quen canh tác và biết cách sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ chú trọng thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả kết hợp trồng rừng, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; vận động nhân dân khắc phục khó khăn, tích cực khai hoang cải tạo đất, dẫn nước phục vụ sản xuất, tăng diện tích lúa nước; đồng thời phát triển thêm các mô hình trồng cỏ và trồng rừng để bảo vệ môi trường sống, hạn chế xói mòn rửa trôi”.
Bằng tấm lòng sẻ chia sâu sắc, những năm qua, Công ty CPCN luôn tích cực ủng hộ xây dựng quỹ: Bảo trợ trẻ em, Vì người nghèo, Hỗ trợ nông dân; ủng hộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao sổ tiết kiệm tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và ủng hộ các phong trào do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng (năm 2019). Từ nguồn ủng hộ một ngày lương của tập thể CBCNV-LĐ trong công ty, sự hỗ trợ của Công ty ITECH cùng một số đơn vị bạn, trong năm 2019, Công ty CPCN đã tài trợ 250 triệu đồng xây mới năm ngôi nhà tình nghĩa tặng năm gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Điện Biên Phủ; tài trợ 150 triệu đồng làm nhà tặng các gia đình chính sách huyện Điện Biên.
Là một trong nhiều gia đình được Công ty CPCN hỗ trợ toàn bộ kinh phí làm nhà ở, ông Giàng Dũng Pó, bản Nậm Ty 1, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên xúc động cho biết: “Nhà đông con, vợ chồng tôi đã 80 tuổi vẫn chưa thể làm được ngôi nhà chắc chắn. Năm 2019, được Công ty CPCN hỗ trợ 25 triệu đồng, được bà con dân bản góp công sức làm giúp ngôi nhà mới khang trang, mọi người trong gia đình vui lắm! Có chỗ ở ổn định, mỗi người đều chuyên tâm lao động, học tập”.
Nghe chuyện ông Pó khiến tôi nhớ tới chuyện ở bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng. Từ năm 2012, khi di chuyển để nhường mặt bằng cho đơn vị thi công hồ Ẳng Cang lên khu mới thì học sinh mầm non ở đây phải ăn, học trong hai phòng học tạm, chật hẹp, mái lợp gianh, nền đất ẩm thấp. Quanh phòng học, không có công trình phụ trợ gì; nước sinh hoạt của cô và trò phải xin nhờ nhà dân gần đó; cơm trưa của các cháu cũng phải nhờ dân nấu hộ. Sau mỗi bữa cơm trưa của các cháu, hai cô giáo cắm bản lại phải đi chở từng can nước về để rửa nồi, xoong, bát đũa... Nhờ sự hỗ trợ, kêu gọi của Công ty CPCN mà năm học này, 60 học sinh mầm non Mánh Đanh đã được học trong ngôi trường mới với hai phòng học kiên cố, nền lát đá hoa, có sân có vườn, có phòng ăn riêng.
Cô Quàng Thị Ngoan, chủ nhiệm lớp mẫu giáo bé ở điểm trường Mánh Đanh nói: “Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ đang mơ. So với trước, điểm trường mới khác một trời một vực nên không chỉ giáo viên mà các con và cả phụ huynh mừng lắm!”.
Cảm ơn tấm lòng, tình cảm của CBCNV-LĐ Công ty CPCN đã quan tâm sự nghiệp giáo dục - đào tạo huyện Mường Ảng những năm qua, thầy Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Ảng cho biết: Nhiều năm liền hỗ trợ sách vở, áo ấm, đồ dùng học tập cho học sinh, trong năm 2020, Công ty CPCN còn kêu gọi, tài trợ 550 triệu đồng xây dựng điểm trường Mánh Đanh khang trang, hiện đại. Nhờ sự hỗ trợ, ủng hộ của công ty, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, phụ huynh được tiếp thêm nghị lực vượt khó, đạt nhiều thành tích hơn trong sự nghiệp trồng người.
Trao đổi với chúng tôi về những dự định của công ty trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT công ty Nguyễn Lệ Quế nhấn mạnh: Quan tâm trước nhất là nâng cao đời sống CBCNV-LĐ để người lao động yên tâm công tác, cống hiến, góp phần thực hiện tốt mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Công ty sẽ luôn tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.