Chăm lo đời sống tinh thần học sinh và giáo viên
Cuối tuần qua, tại hội thảo góp ý xây dựng bộ tiêu chí 'Trường học hạnh phúc' do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ý kiến của lãnh đạo các phòng GD-ĐT, cán bộ quản lý trường học bày tỏ nhiều lo ngại về ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội đến đời sống tinh thần của giáo viên.
Bà Lê Thị Xinh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển quá nhanh, giáo viên chỉ cần một lời nói, hành động chưa chuẩn mực là ngay lập tức bị đưa lên mạng xã hội. Điều này khiến các thầy, cô cảm thấy vô cùng áp lực.
Hiện nay, nhiều trường học quá tải, duy trì sĩ số từ 40-50 học sinh/lớp do gia tăng dân số cơ học, nên việc đảm bảo yêu cầu dạy học đã là một nỗ lực lớn của giáo viên. Ngoài yêu cầu về năng lực chuyên môn, thầy, cô cần có kỹ năng quản lý cảm xúc để xử lý tốt các tình huống phát sinh trong lớp học.
“Tôi cho rằng, trường học cần có thêm các kênh tư vấn, giúp giải tỏa áp lực công việc cho giáo viên”, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) bày tỏ, dù Việt Nam đã có Luật An ninh mạng nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở, khi xảy ra sự cố, giáo viên và học sinh là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.
“Hạnh phúc là khái niệm đo lường về cảm xúc nên cần các giá trị thật về tinh thần chứ không phải qua những con số thống kê về thành tích, điểm số. Đơn cử, khi học sinh chưa làm bài tập về nhà, giáo viên nhắc nhở trên tinh thần thông cảm là cách giải quyết mô phạm về mặt hành chính, nhưng nếu xuất phát từ tình thương thật sự, thầy cô sẽ tìm hiểu lý do vì sao học sinh chưa làm bài, do sức khỏe hay gia đình em gặp vấn đề gì, cần thầy cô hỗ trợ gì”, ông Hồng Trung nêu ý kiến.
Theo bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), với học sinh, chỉ khi các em cảm thấy được là chính mình, được làm những việc mình yêu thích mới phát huy tối đa khả năng sáng tạo và năng lực của các em. Với giáo viên, môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, được chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần, cùng gắn kết trong một tập thể thông qua các hoạt động đội nhóm sẽ tạo thêm chất xúc tác giúp các thầy, cô gắn bó, say mê cống hiến với nghề.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cham-lo-doi-song-tinh-than-hoc-sinh-va-giao-vien-post686049.html