CHĂM LO NHỮNG NGƯỜI TRÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH
Những ngày cao điểm của phòng, chống dịch Covid-19 đã đến, điều lo lắng về lây nhiễm chéo trong cộng đồng và với chính các cán bộ, nhân viên y tế cũng đã xảy ra ở một vài nơi. Hiện tượng này không chỉ đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng tránh, điều trị trong toàn xã hội mà còn cần chăm lo cẩn trọng, nghiêm ngặt và quan tâm thiết thực nhiều mặt hơn nữa cho đội ngũ chiến sĩ áo trắng, những người đang đứng trên tuyến đầu 'chống dịch như chống giặc'.
Trong khi nhiều hoạt động xã hội phải ngưng trệ, dừng, hoãn, hủy thì mọi hoạt động của ngành y tế không những không ngừng nghỉ mà còn phải đẩy lên với cường độ cao chưa từng có. Rất nhiều bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên phải thường trực và làm việc suốt ngày tại bệnh viện hoặc tại các sân bay, các khu vực cách ly. Nhiều người cả tuần và nhiều ngày hơn nữa không thể về nhà... Hiện tượng mệt mỏi về thể lực, căng thẳng về tâm lý diễn ra là tất yếu, song tất cả họ đều tập trung hết mình vì nhiệm vụ, những lời than vãn về khó khăn hay kể lể về công lao, thành tích đã không bật ra. Các đồng chí lãnh đạo các cấp và nhân dân ta ai cũng biết điều đó. Đã có nhiều dịp các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước quan tâm động viên, căn dặn ngành y tế và các cơ quan hữu quan, các đơn vị quân đội cần đặc biệt chú ý giữ gìn, phòng ngừa cao nhất để bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ y tế và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 là cực kỳ nguy hiểm và khó lường. Thực tế là ngay cả với những nhân viên y tế vận bộ áo mũ, khẩu trang kín mít, thực thi công việc cẩn trọng cũng vẫn có thể bị lây nhiễm vì một nguyên nhân nào đó.
Việc an toàn của toàn xã hội gắn liền với an toàn của đội ngũ y tế. Bởi vậy chúng ta mong mỏi, hy vọng và sẵn sàng cùng ngành y tế và Nhà nước có những biện pháp tốt nhất để bảo đảm an toàn cao nhất cho đội quân xung kích của mình. Với mọi người dân, hành động trước hết ủng hộ, gánh đỡ công việc khó khăn và khẩn trương của họ chính là tuân thủ mọi quy định, khuyến cáo phòng, chống dịch và đồng thuận hợp tác thực hiện việc kiểm tra, xét nghiệm, cách ly...
Ngoài bảo đảm an toàn cho những người trên tuyến đầu, việc chăm lo cho họ an tâm làm nhiệm vụ cũng là điều xã hội cần và có thể quan tâm nhiều hơn nữa. Những gia đình của họ ra sao khi vắng một hoặc cả hai vợ chồng cùng làm nghề y, họ cần chia sẻ, giúp đỡ những gì, thiếu thốn những gì. Hàng xóm láng giềng và các tổ chức xã hội có biết, có quan tâm và sẵn lòng? Con cái họ nghỉ học ở nhà ăn uống, tự học, tự chơi ra sao? Còn ông bà, cha mẹ họ? Lại có hiện tượng một số gia đình lo lắng khi con cái là thanh niên, sinh viên ngành y và nhiều ngành khác tham gia các hoạt động tình nguyện vòng trong, vòng ngoài phòng, chống dịch. Và nữa, những người dân tham gia các nhóm, đội “phản ứng nhanh” tại các cơ sở xã, phường. Họ đều là những người có hoặc chưa thành thạo chuyên môn, chưa trải thực tế. Việc huấn luyện nghiệp vụ và bảo đảm cuộc sống của họ từ nơi ăn chốn nghỉ không những phải thực hiện đầy đủ, cẩn thận mà còn cần được thông tin kịp thời, rõ ràng để gia đình yên tâm, tin tưởng.
Hậu phương gần gũi là gia đình và cả hậu phương lớn là xã hội sẽ là chỗ dựa vững vàng cho những người trên tuyến đầu an lòng làm nhiệm vụ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cham-lo-nhung-nguoi-tren-tuyen-dau-chong-dich-613243