Chăm lo tài sản quý của doanh nghiệp

Hiện có hơn 320 ngàn công nhân lao động (CNLĐ) ngoại tỉnh làm việc tại 31 khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai. Trong số này, có rất ít người sau nhiều năm làm lụng vất vả có thể dành dụm được khoản tiền mua căn nhà để an cư trên đất Đồng Nai. Các dự án nhà ở xã hội nếu hoàn thành cũng chỉ có thể đáp ứng khoảng 6,5% con số 320 ngàn CNLĐ được thuê, mua; còn lại hàng trăm ngàn người phải thuê nhà trọ để tá túc qua ngày.

Phải ở trong những căn nhà trọ chật chội, cuộc sống công nhân vất vả với đồng lương eo hẹp, hàng trăm ngàn CNLĐ xa quê còn thiếu thốn về mặt tinh thần khi các hoạt động giải trí, sinh hoạt lành mạnh đối với họ nhiều khi là xa xỉ vì không có khu vui chơi công cộng, nơi sinh hoạt văn hóa… dành cho CNLĐ. Nhiều người sau những giờ làm việc vất vả ở nhà xưởng trở về nhà chỉ có ăn, xem tivi, mở điện thoại lướt Facebook… rồi đi ngủ lấy sức để hôm sau đến công ty làm việc. Có chăng ngày cuối tuần, nghỉ lễ mọi người rủ nhau đi công viên dạo mát, tham quan các trung tâm thương mại, siêu thị, hay rủ nhau nhậu nhẹt, hát karaoke cho hết ngày. Các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ do Công đoàn công ty tổ chức chỉ là thỉnh thoảng vì tại các công ty hay khu vực nhà trọ còn thiếu các thiết chế dành cho CNLĐ. Ngay các công ty muốn tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ - thể thao cho CNLĐ của mình tham gia cũng gặp khó khăn vì thiếu sân vận động, nhiều lắm chỉ có thể tận dụng khu vực nhà ăn làm sàn diễn văn hóa, văn nghệ…

Ngoài ra, CNLĐ cũng gặp khó khăn trong việc tìm chỗ gửi con, tìm trường học cho con để yên tâm vào công ty làm việc. Hiện trên địa bàn tỉnh, số công ty có ký túc xá, có nhà trẻ cho con CNLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, nhiều người buộc lòng phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc hộ.

Tất cả những hạn chế, khó khăn đó khiến cho ước mơ an cư lạc nghiệp trên đất Đồng Nai của nhiều CNLĐ nhiều năm chưa thành hiện thực dù họ đã đổ không ít mồ hôi, công sức lao động vất vả, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Nhận ra những hạn chế đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh đã rất nỗ lực tìm giải pháp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ như đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa cho CNLĐ. Gần đây nhất, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp về xây dựng thiết chế Công đoàn cho CNLĐ; UBND tỉnh cũng đã chấp thuận về mặt chủ trương cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội có diện tích trên 2,3ha tại H.Trảng Bom với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng nhằm tạo nên một dự án thiết chế Công đoàn mẫu mực, một nơi đáng sống phục vụ CNLĐ…

Tuy nhiên, sự quan tâm ấy vẫn là chưa đủ đáp ứng nhu cầu của hàng trăm ngàn CNLĐ. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tìm giải pháp xây dựng nhà ở, các thiết chế thỏa mãn nhu cầu không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, trường học của CNLĐ xa quê. Trong đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa trong việc chăm lo, hỗ trợ cho CNLĐ, vốn là tài sản quý để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng và của tỉnh nói chung.

Phạm Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202208/cham-lo-tai-san-quy-cua-doanh-nghiep-3130559/