Chăm lo toàn diện cho công nhân lao động

Với việc quản lý trực tiếp 328 Công đoàn cơ sở và trên 135.000 đoàn viên, người lao động, thời gian qua, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống về cả vật chất lẫn tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đồng hành cùng người lao động thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Bài 1: Giúp người lao động yên tâm làm việc

Đa phần người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đều đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, đồng lương công nhân eo hẹp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thấu hiểu điều đó, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã phối hợp với người sử dụng lao động triển khai nhiều hoạt động chăm lo, giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất và gắn bó với doanh nghiệp.

San sẻ khó khăn cùng người lao động

Đối với những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng vé xe về quê đón Tết, đề xuất Liên đoàn lao động thành phố hỗ trợ Mái ấm công đoàn, sổ tiết kiệm… Qua đó, giúp công nhân lao động vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc, tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hằng năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đều tổ chức xe ô tô miễn phí đưa hàng nghìn công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết

Hằng năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đều tổ chức xe ô tô miễn phí đưa hàng nghìn công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết

Được biết, trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội và Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất đã tổ chức xe ô tô miễn phí đưa gần 2.800 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Các Công đoàn cơ sở cũng phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức trên 1.000 chuyến xe ô tô đưa hàng chục nghìn công nhân lao động về quê đón Tết. Đơn cử như tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, trung bình mỗi năm công ty tổ chức 50 chuyến xe, đưa đón khoảng 1.500 lượt công nhân lao động cùng gia đình về quê đón Tết tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái…

Cùng với việc tổ chức những chuyến xe miễn phí đưa công nhân lao động về quê đón Tết, những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đều tổ chức chương trình “Mùa gió ấm”, tại chương trình, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ sẻ chia những nỗi vất vả, khó khăn trong cuộc sống mà bản thân và gia đình đang phải gánh chịu. Thông qua đó đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của toàn thể cán bộ, công nhân lao động trong công ty, giúp cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được kịp thời động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ngoài những tấm vé nghĩa tình, nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ Mái ấm công đoàn, sổ tiết kiệm. Là một trong những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ Mái ấm công đoàn trị giá 30.000.000 đồng, chị Trần Thị Thắm (quê Mê Linh, Hà Nội) đang làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam đã không giấu nổi niềm xúc động và sự biết ơn đối với các cấp Công đoàn Thủ đô.

Chị Thắm chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn, do bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại Vĩnh Phúc nên chồng tôi đã mất hồi cuối năm 2017, để lại cho tôi 04 đứa con thơ. Trong đó, đứa con đầu năm nay 7 tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh, mắt bị đục thủy tinh thể và trí nhớ chậm phát triển. Một mình tôi phải cố gắng làm việc để chữa bệnh cho con và cho các con ăn học. Được sự hỗ trợ của các cấp Công đoàn, tôi sẽ vay mượn thêm để xây một căn nhà với mong muốn có một chỗ ở ổn định để yên tâm làm việc và chăm lo cho các con.”

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Bên cạnh việc quan tâm, hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cũng tích cực tham gia vào việc giám sát các chế độ lương, thưởng, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Báo cáo của Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho thấy, từ tháng 01/2019, các doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng I là 4.180.000 đồng/ người/ tháng. Cùng với việc điều chỉnh tiền lương cơ bản, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ cho công nhân lao động các khoản phụ cấp như: Ngành nghề, chuyên cần, nhà ở, đi lại… với mức tiền từ 500.000 đồng đến trên 1.000.000 đồng/người/tháng.

Chất lượng bữa ăn ca của công nhân được nhiều đơn vị đưa vào Thỏa ước lao động tập thể

Chất lượng bữa ăn ca của công nhân được nhiều đơn vị đưa vào Thỏa ước lao động tập thể

Tại nhiều doanh nghiệp, Ban chấp hành Công đoàn đã luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất của người lao động và thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cho biết, Công đoàn công ty đã ký Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, trong đó, có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như: Thiết lập trợ cấp chuyên cần quý, chuyên cần năm; thiết lập trợ cấp đời sống; tăng trợ cấp nhà ở và trợ cấp nóng; tăng thêm số ngày nghỉ phép cho người lao động là thêm 2 ngày/năm; tăng tiền ăn ca lên 27.000 đồng/suất; tổ chức xe ô tô đưa đón công nhân đi làm...

Tại Công ty TNHH Roki Việt Nam, ông Chu Xuân Quý, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho công nhân lao động, Công đoàn công ty đã trực tiếp thương lượng với người sử dụng lao động để tăng tiền cho mỗi suất ăn ca và đưa vào điều khoản trong Thỏa ước lao động tập thể của công ty. Hiện nay, công ty đã thuê riêng một đơn vị để nấu ăn, mỗi suất ăn ca của công nhân lao động trong công ty có giá 26.000 đồng/suất. Bên cạnh đó, Công đoàn công ty cũng tham gia vào việc giám sát chất lượng bữa ăn ca. Mọi nguồn nguyên liệu, thực phẩm đều được kiểm tra và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khâu chế biến cũng phải đảm bảo vệ sinh.

Những nỗ lực của các cấp Công đoàn trong việc quan tâm, hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, tích cực đảm bảo và nâng cao quyền lợi cho công nhân lao động đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công nhân lao động cũng bày tỏ mong muốn được phía doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để họ được cải thiện đời sống tinh thần và thoát khỏi vòng quay nhà trọ - công ty.

Bài 2: Nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cham-lo-toan-dien-cho-cong-nhan-lao-dong-95777.html