Chăm lo trẻ em dân tộc thiểu số

Huyện Na Hang có 12.745 trẻ em, chiếm 27% tổng dân số của huyện. Trong đó, có 5.431 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; 143 trẻ em mồ côi, 349 trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa; 230 trẻ khuyết tật. Thời gian qua, các cấp, ngành của huyện Na Hang đã luôn chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và xem đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Luân, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, các ngành tăng cường vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Riêng từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã huy động được trên 800 triệu đồng chăm lo cho gia đình hộ nghèo có trẻ em. Qua đó, đã có gần 600 trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tặng quà, học bổng, xe đạp...

Trẻ em trường Mầm non Đà Vị, xã Đà Vị tham gia Hội thi “Bàn tay sạch cho bé - bé khéo tay”
do Chương trình Vùng Na Hang phối hợp tổ chức.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với Chương trình Vùng Na Hang thuộc tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) để tổ chức đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ. Anh Dương Viết Phan, phụ trách Chương trình Vùng Na Hang cho biết, bảo vệ trẻ em là 1 trong 5 hợp phần của Chương trình Vùng Na Hang được thực hiện tại 5 xã: Thanh Tương, Sơn Phú, Đà Vị, Yên Hoa, Năng Khả. Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em bằng nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực, hành vi cho trẻ em, cho phụ huynh, người chăm sóc, thành viên Ban bảo vệ trẻ em các cấp; nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em.

Các hoạt động tiêu biểu là xây dựng mô hình “Gia đình toàn mỹ”, thoát nghèo cùng cực, sinh kế đảm bảo, nước sạch và vệ sinh môi trường, y tế và dinh dưỡng, tư vấn và thăm hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi... Trong năm qua, ước tính có trên 2.000 trẻ và 5.000 người lớn được hưởng lợi từ các hoạt động dự án. Chương trình Vùng đã phối hợp tổ chức được 65 sự kiện truyền thông bảo vệ trẻ em tại 5 xã dự án với gần 10.900 người tham gia; nhận viện trợ 6.323 quần áo mới cho người lớn và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trị giá gần 844 triệu đồng; 2.534 trẻ em được thăm khám đúng giờ thông qua hoạt động lồng ghép của các chương trình trong các trường học như tiệc sinh nhật, truyền thông bảo vệ trẻ em. Đồng thời, phối hợp lựa chọn 65 trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ y tế của phía Hàn Quốc với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng; thực hiện tư vấn tại hộ cho 336 bà mẹ. 5 xã duy trì 37 nhóm tiết kiệm sinh kế với 69 hộ phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế.

Phát huy vai trò chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, các cấp bộ Đoàn, Hội của huyện đã nỗ lực huy động nguồn lực, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em dân tộc thiểu số. Năm học 2020 - 2021, Huyện đoàn đã huy động trên 4 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới nhà lớp học tại các xã Sinh Long, Khâu Tinh, bếp ăn tại trường Tiểu học Yên Hoa; cầu Nặm Đường, xã Sinh Long và cầu Nà Chẻ, xã Yên Hoa... đã có hàng trăm trẻ em hưởng lợi từ các công trình. Bên cạnh đó, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện đã huy động, tặng quà cho đội viên nghèo, đội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp các ngày nghỉ lễ, Tết trị giá hàng trăm triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn Đoàn đã làm mới 3 sân chơi tại thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương; thôn Nà Chẻ, xã Yên Hoa; thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú; làm mới nhà cho hộ đoàn viên Ngô Văn Dinh, thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, trong đó có 2 trẻ em được hưởng lợi. Đoàn các cấp đã phổ biến tuyên truyền phòng chống đuối nước cho 7.552 học sinh và có 853 học sinh được thực hành kỹ năng phòng chống đuối nước.

Thực hiện Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, các cấp, các ngành của huyện sẽ tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống tảo hôn; phòng, chống tình trạng trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em; thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em... Đặc biệt là tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ, hướng dẫn cho trẻ kỹ năng an toàn trên Internet. Đồng thời, tổ chức thăm, tặng quà, học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ bị bạo lực, xâm hại, có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/cham-lo-tre-em-dan-toc-thieu-so-145574.html