Chăm lo vun đắp mái ấm gia đình

Đề cao vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình'.

Gia đình là tế bào của xã hội. Trong ảnh: Gia đình chị Phạm Thị Tuyết Sương tham gia hội thi Gia đình đọc sách tỉnh Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

Gia đình là tế bào của xã hội. Trong ảnh: Gia đình chị Phạm Thị Tuyết Sương tham gia hội thi Gia đình đọc sách tỉnh Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, mối liên kết giữa các thành viên trong nhiều gia đình trở nên rất mong manh. Do đó, việc dành thời gian chăm lo cho gia đình là cách hữu hiệu để sợi dây gắn kết của mỗi thành viên ngày càng thắt chặt và gia đình hạnh phúc hơn.

Thuận vợ thuận chồng

Sống chủ yếu bằng nghề cơ khí ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), công việc hằng ngày khá bận bịu nhưng vợ chồng anh Võ Ái Quốc và chị Nguyễn Thị Thu luôn sắp xếp thời gian chăm lo cho gia đình và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

Theo anh Quốc, hạnh phúc gia đình rất quan trọng. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, điều đầu tiên là phải gắn kết, thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Con cái và cha mẹ phải cùng chia sẻ ngọt bùi cũng như những khó khăn, giống như một người bạn đồng hành, làm sao để giữa cha mẹ và các con không có khoảng cách. “Những lúc hai vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau tìm cách giải quyết, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, xung đột dù nhỏ để con cái không bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực từ cha mẹ”, anh Quốc nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thu - vợ anh Quốc quan niệm: “Theo tôi, điều quan trọng nhất để xây dựng gia đình hạnh phúc là vợ chồng phải có sự cảm thông, chia sẻ, hiểu nhau, cùng dạy dỗ các con ngoan ngoãn. Đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng tôi không gò ép, miễn sao con vui chơi có chừng mực, bảo đảm việc học hành”.

Anh Nguyễn Thanh Tào ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) làm nghề tài xế đã hơn 10 năm nay. Dù yêu cầu công việc của anh phải đi đây đi đó nhiều nơi, thế nhưng mỗi khi không phải đi xa, anh luôn tranh thủ về nhà để có những bữa cơm cùng gia đình.

Anh Tào chia sẻ: “Tôi thấy nhiều gia đình vì thiếu sự quan tâm đến nhau khiến mái ấm không còn ấm êm, không hạnh phúc, thậm chí đi đến đổ vỡ. Vì vậy, dù công việc bận rộn, tôi vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để chăm lo cho gia đình, cho các con. Tôi cũng mong muốn mọi người dù có như thế nào cũng phải dành thời gian vun đắp tình cảm gia đình. Điều đó sẽ quyết định hạnh phúc của tổ ấm”.

Phối hợp chặt chẽ

Theo Sở VHTT&DL, thời gian qua, sở đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, địa phương, triển khai công tác gia đình, thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; nhân rộng các mô hình hay. Bên cạnh đó, sở còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình... Đồng thời tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 15 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025...

Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu gia đình, thôn/buôn/khu phố văn hóa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo, đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp đóng vai trò quan trọng trong thanh, kiểm tra việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; kịp thời phát hiện, biểu dương gương điển hình tiên tiến nhằm nhân rộng nếp sống văn hóa từ gia đình đến khu dân cư, xã hội một cách hiệu quả và thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 96,6% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Từviệc đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa gắn với phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình..., trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực. Trong đó, các gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; gia đình hiếu học; gia đình làm kinh tế giỏi... là những điểm sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

“Xây dựng gia đình văn hóa gắn với phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh”, bà Thái cho biết thêm.

Điều quan trọng nhất để xây dựng gia đình hạnh phúc là vợ chồng phải có sự cảm thông, chia sẻ, hiểu nhau, cùng dạy dỗ các con ngoan ngoãn. Đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng tôi không gò ép, miễn sao con vui chơi có chừng mực, bảo đảm việc học hành.

Chị Nguyễn Thị Thu, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/81/313901/cham-lo-vun-dap-mai-am-gia-dinh.html