Chạm mốc 300 tỉ USD và hơn 500 triệu người dùng ChatGPT/tuần, OpenAI bị nhiều 'cá mập' bủa vây

OpenAI, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, vừa trải qua vài tháng đầy sóng gió.

Cuối tháng 3, OpenAI còn nhận về vô số lời ca ngợi khi huy động được thêm 40 tỉ USD. Đây là thương vụ công nghệ tư nhân lớn nhất từ trước đến nay, đưa định giá công ty có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) lên 300 tỉ USD, cao nhất trong tất cả startup trên toàn cầu. Chatbot ChatGPT, sản phẩm AI chủ lực của OpenAI, thu hút hơn 500 triệu người dùng mỗi tuần, vượt xa mọi đối thủ.

Sam Altman cùng OpenAI chưa có thời gian tận hưởng thành công thì khó khăn đã bủa vây - Ảnh: Internet

Sam Altman cùng OpenAI chưa có thời gian tận hưởng thành công thì khó khăn đã bủa vây - Ảnh: Internet

Mọi thứ tưởng chừng rất suôn sẻ với Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) sau khi ông chào đón đứa con đầu lòng hồi tháng 2. Thế rồi nhiều "cá mập" bắt đầu lượn quanh OpenAI.

Vài tuần gần đây, “cha đẻ ChatGPT” phải đối mặt với những đợt tấn công từ nhiều phía, chủ yếu đến từ các hãng công nghệ lớn như Meta Platforms, Google, Amazon và Microsoft.

Các công ty nhỏ hơn cũng bắt đầu ngửi thấy "mùi máu". DeepSeek, xAI, Anthropic và các đối thủ phát triển chatbot AI đã tung ra mô hình mới gây tiếng vang, tạo áp lực khiến OpenAI phải vội vã cập nhật sản phẩm của mình.

Các kỹ sư OpenAI, với một số người cho biết phải làm việc hơn 80 giờ mỗi tuần, rơi vào tình trạng kiệt sức, theo trang Insider. Công ty đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ một tuần để hồi phục hồi đầu tháng 7 này.

Người ta nói rằng "càng lên cao, càng cô đơn" và bên dưới là diễn biến về cuộc vây hãm mà OpenAI phải đối mặt

Meta Platforms lôi kéo nhân tài AI của OpenAI

Có vẻ như các kỹ sư AI hàng đầu giờ đây đã trở thành những ngôi sao thể thao mới.

Trong một tập podcast Uncapped with Jack Altman hồi tháng 6, Sam Altman tiết lộ Meta Platforms của Mark Zuckerberg đã cố gắng lôi kéo nhân tài AI tại OpenAI bằng những khoản "phí ký hợp đồng khổng lồ".

Giám đốc điều hành OpenAI nói rằng Meta Platforms đưa ra "tiền thưởng ký hợp đồng đến 100 triệu USD" và gọi đó là "điều điên rồ".

"Tôi nghe nói Meta xem chúng tôi là đối thủ lớn nhất và nghĩ rằng họ có lý do để tiếp tục cố gắng. Những nỗ lực AI hiện tại của Meta không thành công như họ mong đợi", Sam Altman nói.

Meta Platforms đang cố gắng cải thiện hình ảnh sau khi bộ mô hình ngôn ngữ Llama 4 ra mắt vào tháng 4 không đạt được kỳ vọng về hiệu suất.

Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ của Meta Platforms, sau đó nói với kênh CNBC: “Sam Altman đã quên nói rằng ông ta cũng đang phản ứng bằng những đề nghị tương tự".

Một tuần sau, Meta Platforms đã lôi kéo được ba nhà nghiên cứu AI hàng đầu của OpenAI. Một người trong số đó lên mạng xã hội X tiết lộ không nhận được tiền thưởng 100 triệu USD từ công ty mẹ Facebook và gọi đó là "tin giả".

Giữ chân nhân tài hàng đầu là điều cần thiết để cạnh tranh trong cuộc đua AI và một số nhà đầu tư nổi tiếng, gồm cả Reid Hoffman (đồng sáng lập LinkedIn), nói rằng việc trả tiền thưởng ký hợp đồng lớn là hợp lý.

Bị Meta Platforms săn mất hơn 10 chuyên gia AI nhưng OpenAI cũng chiêu mộ nhân tài từ xAI và Tesla vài tuần gần đây, theo tạp chí Wired.

Sam Altman tỏ ra bình thản về chuyện một số nhân tài AI rời OpenAI chuyển đến Meta Platforms tại hội nghị Sun Valley (“trại hè của các tỷ phú”) tuần trước.

"Chúng tôi có một đội ngũ tài năng đáng kinh ngạc và tôi nghĩ họ thực sự yêu công việc của mình. Dĩ nhiên, một số người sẽ chuyển sang nơi khác", doanh nhân 40 tuổi người Mỹ nói với phóng viên.

Thương vụ với Windsurf đổ bể

OpenAI chịu thêm cú sốc nữa trong mùa hè này khi thương vụ mua lại Windsurf (công ty khởi nghiệp về trợ lý viết mã bằng AI) đổ vỡ.

Theo hãng tin Bloomberg, OpenAI từng đồng ý mua lại Windsurf với giá khoảng 3 tỉ USD. Tuy nhiên đến tháng 6, căng thẳng giữa OpenAI và nhà đầu tư lớn nhất là Microsoft bắt đầu gia tăng. Microsoft xem Windsurf là đối thủ trực tiếp với công cụ GitHub Copilot của mình.

Theo thỏa thuận hiện tại, Microsoft sẽ được quyền truy cập vào tài sản trí tuệ của Windsurf, điều mà cả OpenAI và Windsurf đều không mong muốn.

Hôm 11.7, OpenAI xác nhận với trang Insider rằng thỏa thuận mua lại Windsurf đã thất bại. Thay vào đó, Giám đốc điều hành Varun Mohan, đồng sáng lập Douglas Chen và một số nhân sự cấp cao của Windsurf sẽ gia nhập Google DeepMind.

“Chúng tôi rất vui mừng được chào đón một số nhân tài lập trình AI hàng đầu từ đội ngũ Windsurf đến với Google DeepMind, để cùng thúc đẩy công việc của chúng tôi trong lĩnh vực agentic coding (viết mã có tính chủ động - PV)”, một người phát ngôn của Google chia sẻ với CNBC.

Agentic coding là khái niệm mới nổi trong lĩnh vực AI và phát triển phần mềm, đề cập đến việc sử dụng các tác tử AI để tự động hóa và hỗ trợ quá trình viết mã, thử nghiệm, gỡ lỗi, triển khai phần mềm.

Do Demis Hassabis điều hành, Google DeepMind chuyên nghiên cứu về AI tiên tiến, nổi tiếng với AlphaGo (hệ thống AI đầu tiên đánh bại con người trong cờ vây), AlphaFold2 (mô hình AI đột phá có khả năng dự đoán cấu trúc 3D của protein từ chuỗi axit amin, giải quyết một bài toán hóc búa mà giới khoa học đã theo đuổi suốt hơn 50 năm) cùng nhiều đột phá trong học máy.

Căng thẳng với Microsoft

Mua lại Windsurf bất thành chỉ là một trong chuỗi những bất đồng giữa OpenAI với Microsoft (đã đầu tư hơn 13 tỉ USD vào công ty tạo ra ChatGPT).

Cuộc đàm phán giữa OpenAI và Microsoft đang rất phức tạp, xoay quanh việc chia lợi nhuận, cổ phần và cả khái niệm về trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

AGI được coi là AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt giống hay vượt trội con người, nhưng trong thỏa thuận giữa OpenAI với Microsoft, nó được định nghĩa là lợi nhuận 100 tỉ USD. Theo thỏa thuận, khi OpenAI đạt mốc này, Microsoft sẽ không còn được chia phần doanh thu nữa. Dễ hiểu khi Microsoft muốn thay đổi điều khoản đó, nhưng đến nay OpenAI vẫn từ chối.

OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".

Hồi đầu tháng 7, căng thẳng gia tăng vì Satya Nadella (Giám đốc điều hành Microsoft) không quá tin vào sức mạnh biến đổi của AGI như đội ngũ phát triển tại OpenAI. Ông thậm chí từng gọi AGI là “một tiêu chuẩn phi lý để khoe thành tích” trong podcast gần đây.

Sức mạnh biến đổi là khả năng hoặc tiềm năng tạo ra những thay đổi sâu rộng, căn bản và tích cực với xã hội.

OpenAI hoãn ra mắt mô hình có trọng số mở

Quay lại thời điểm êm đẹp cuối tháng 3, Sam Altman khi ấy đang tận hưởng vinh quang từ việc gọi vốn thành công, đã thông báo OpenAI sắp ra mắt mô hình ngôn ngữ đầu tiên có trọng số mở và khả năng suy luận cao, kể từ GPT-2 năm 2019.

Song, tối thứ 6 tuần trước (ngày 11.7) - thời điểm thường được chọn để công bố tin xấu, Sam Altman thông báo mô hình mới lại bị hoãn ra mắt.

“Chúng tôi cần thêm thời gian để chạy các bài kiểm tra an toàn và đánh giá các khu vực có rủi ro cao. Chúng tôi chưa chắc sẽ mất bao lâu”, Sam Altman viết trên X.

Ông cũng xin lỗi và khẳng định “OpenAI đang làm việc cực kỳ chăm chỉ!”.

Đây là lần trì hoãn thứ hai chỉ trong vòng một tháng, khiến ngày OpenAI ra mắt mô hình ngôn ngữ mới có trọng số mở bị dời lại.

Mô hình trọng số mở cung cấp một giải pháp trung gian giữa mã nguồn mở và mã nguồn đóng: Chỉ chia sẻ các tham số được đào tạo trước của mạng thần kinh chứ không phải mã nguồn thực tế.

Khác với các đối thủ như Meta Platforms hay DeepSeek, OpenAI vẫn chưa mở mã nguồn các mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

Thông báo từ OpenAI đến chỉ vài ngày sau khi xAI của Elon Musk phát hành Grok 4, bản cập nhật lớn cho mô hình Grok, dù gặp vài sự cố nhưng đã cải tiến về thị giác và giọng nói, khiến người dùng hào hứng.

iyO kiện io

Hồi tháng 5, OpenAI thông báo mua lại công ty khởi nghiệp phần cứng io, do Jony Ive (cựu giám đốc thiết kế Apple) sáng lập, với giá khoảng 6,5 tỉ USD để phát triển thiết bị AI dành cho người tiêu dùng trong tương lai.

Thông báo đi kèm bộ ảnh Sam Altman cùng Jony Ive (nhà thiết kế iPhone, iPad) ngồi trò chuyện trong quán và một video chỉn chu mô tả tầm nhìn của họ.

Jony Ive và OpenAI đạt được thỏa thuận vào tháng 5 để hợp tác phát triển thiết bị AI mới mà Sam Altman tin rằng có thể bán 100 chiếc nhanh nhất lịch sử - Ảnh: LoveFrom

Jony Ive và OpenAI đạt được thỏa thuận vào tháng 5 để hợp tác phát triển thiết bị AI mới mà Sam Altman tin rằng có thể bán 100 chiếc nhanh nhất lịch sử - Ảnh: LoveFrom

Một tháng sau, OpenAI âm thầm xóa video và thông tin đề cập đến dự án này khỏi các nền tảng. Lý do vì iyO (công ty tách ra từ Alphabet) đã đệ đơn khiếu nại OpenAI về nhãn hiệu, vì gọi io quá giống họ.

Theo đơn kiện, OpenAI và io sẽ hợp tác để phát triển sản phẩm tương tự như những gì iyO đã lên kế hoạch.

Thẩm phán Trina Thompson phán quyết rằng vụ kiện của iyO đủ mạnh để đưa ra xét xử vào mùa thu năm nay. Bà ra lệnh cho Sam Altman, Jony Ive, OpenAI không được dùng thương hiệu io và phải gỡ bỏ mọi thông tin đề cập về tên này.

OpenAI phủ nhận cáo buộc và cho biết đang xem xét các lựa chọn pháp lý.

Vào ngày 9.7, OpenAI vẫn thông báo đã hoàn tất việc mua lại io: “Chúng tôi rất vui mừng chia sẻ rằng đội ngũ io đã chính thức gia nhập OpenAI. Jony Ive cùng LoveFrom vẫn độc lập và đảm nhận vai trò thiết kế, sáng tạo quan trọng tại OpenAI”. LoveFrom là công ty khởi nghiệp thiết kế của Jony Ive.

Amazon làm phim có nội dung tiêu cực về Sam Altman?

Bộ phim sắp tới mang tên Artificial do Amazon Studios sản xuất, xoay quanh chính Sam Altman.

“Đó không phải là một câu chuyện hoàn toàn tích cực”, theo Matt Belloni, phóng viên của tờ Puck, nói đã xem bản nháp gần đây của kịch bản.

Amazon Studios là hãng sản xuất phim và truyền hình thuộc sở hữu của Amazon, tập đoàn thương mại điện tử và công nghệ khổng lồ Mỹ.

Phim kể lại giai đoạn cuối năm 2023 khi Sam Altman bất ngờ bị sa thải rồi được tái bổ nhiệm làm giám đốc điều hành OpenAI. Câu chuyện cũng xoay quanh Ilya Sutskever - đồng sáng lập và cựu giám đốc khoa học OpenAI rời công ty hồi tháng 5.2024.

Mấu chốt trong mâu thuẫn nội bộ cuối năm 2023 là bất đồng về cam kết của OpenAI với sứ mệnh phát triển AGI một cách an toàn.

Sau khi Sam Altman trở lại, hàng loạt kỹ sư làm về căn chỉnh AI (đảm bảo AI hành xử phù hợp với các giá trị, mục tiêu và lợi ích của con người - PV) đã rời OpenAI.

Dù đa số nhân viên ủng hộ Sam Altman, vài người lại mô tả ông là nhà lãnh đạo "thiếu minh bạch" và "thao túng".

Matt Belloni tiết lộ phim Artificial có nét giống The Social Network - phim năm 2010 về Facebook và Mark Zuckerberg. Dù được khen ngợi, phim này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Mark Zuckerberg với công chúng. Giám đốc điều hành Meta Platforms cho rằng nội dung The Social Network không chính xác và "gây tổn thương."

Theo Matt Belloni, kịch bản Artificia mà anh đã đọc qua mô tả Sam Altman như “bậc thầy mưu mô” và “kẻ nói dối”.

OpenAI không gục ngã

Bất chấp tất cả sóng gió, OpenAI vẫn đang dẫn đầu trong lĩnh vực AI và có những động thái khiến đối thủ phải dè chừng.

Chẳng hạn, công ty đang lên kế hoạch ra mắt trình duyệt web tích hợp AI, có thể cạnh tranh với Google Chrome. Chrome là trình duyệt có thị phần lớn nhất hiện nay, khoảng 68,32% tính đến hết tháng 6 vừa qua, theo trang thống kê Statcounter.

Reuters cho biết trình duyệt web của OpenAI sẽ tích hợp ChatGPT, có tác tử AI giúp đặt chỗ nhà hàng và điền biểu mẫu…

OpenAI đã ký hợp đồng trị giá 200 triệu USD để hỗ trợ AI cho quân đội Mỹ, giúp phát triển năng lực cho cả chiến đấu lẫn hành chính.

Vào tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ phát triển các khả năng của AI để "giải quyết những thách thức an ninh quốc gia quan trọng trong cả lĩnh vực chiến tranh và doanh nghiệp". Trước đó, OpenAI hợp tác với hãng công nghệ quốc phòng Anduril của doanh nhân Palmer Luckey.

Ngoài ra, hãng đang hình thành nhiều mối quan hệ đối tác hơn. Tháng 6, hãng đồ chơi Mattel (Mỹ) thông báo hợp tác với OpenAI để đưa AI vào búp bê Barbie, mang lại trải nghiệm chơi phù hợp lứa tuổi với trọng tâm là “sự đổi mới, quyền riêng tư và an toàn”.

Về phần mình, Sam Altman vẫn lạc quan. “Tôi chưa từng thấy công ty nào tăng trưởng nhanh như thế này, kể cả những nơi mà tôi từng làm. Sự phát triển của ChatGPT thật sự rất thú vị. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự. Thật khó tin khi trải qua điều đó”, doanh nhân 40 tuổi nói tại hội nghị TED ở thành phố Vancouver (Canada).

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cham-moc-300-ti-usd-va-hon-500-trieu-nguoi-dung-chatgpt-tuan-openai-bi-nhieu-ca-map-bua-vay-234907.html