Chậm phát triển bền vững do khó tiếp cận tín dụng xanh
Các doanh nghiệp vẫn loay hoay trong tiếp cận gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, từ đó làm chậm quá trình đầu tư.
Nhu cầu vốn lớn để phát triển xanh
Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp xanh và bền vững, Công ty cổ phần Mebifarm Bình Thuận đang thực hiện dự án xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn như điện năng lượng mặt trời, hệ thống xử lý chất thải, thiết bị xử lý phân bằng công nghệ hiện đại, nhằm giảm tác động ra môi trường...
Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mebifarm Bình Thuận, với diện tích 72 ha cho tổng công suất 1,2 triệu gà mái đẻ và 400.000 gà hậu bị, hoạt động sản xuất chỉ chiếm 15 ha, phần lớn diện tích còn lại để doanh nghiệp trồng cây xanh hướng đến bảo tồn sinh thái. Trong tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Công ty dự kiến đầu tư thiết bị xử lý phân gần 300 tỷ đồng.
“Nguồn vốn cho dự án này khá lớn, nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận tín dụng xanh để đầu tư trang thiết bị công nghệ và xử lý chất thải. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp vẫn vay thương mại để thực hiện và kéo dài thời gian để chi phí đầu tư một lần không nhiều. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ được vay vốn xanh với ưu đãi tốt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư”, ông Ngà chia sẻ.
Việc thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng nguồn lực tài chính hạn chế dẫn đến hoạt động chuyển đổi xanh tại nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, mặc dù sức ép cả trong và ngoài nước mỗi ngày một lớn. Theo các đơn vị, tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm, nhưng quy mô chưa lớn.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho hay, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp hơn 20 năm, nhưng việc tiếp cận tín dụng xanh trong vài năm trở lại đây đều không thành công. Hiện doanh nghiệp cần 100 - 200 tỷ đồng để thay đổi máy móc thiết bị, song vì khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là tín dụng xanh, nên doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư.
Đây cũng là nỗi trăn trở của hầu hết các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Không ít đơn vị có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư dự án xanh, nâng cấp các thiết bị công nghệ để chuyển đổi xanh, nhưng bị “kìm chân” vì khó tiếp cận vốn “xanh”.
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mebipha TP.HCM và Tây Ninh chia sẻ: “Năm 2023 và 2024, chúng tôi đều đạt chứng nhận doanh nghiệp xanh khi tất cả những thiết bị của doanh nghiệp gần như đã được thay mới hoàn toàn. Tuy nhiên, những nỗ lực này được chúng tôi thực hiện bằng nguồn vốn tự thân, bởi hoàn toàn không tiếp cận được nguồn vốn xanh”.
Cần sớm xây dựng giải pháp
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân hơn 25% mỗi năm. Tính đến cuối năm 2023, thị trường có 47 tổ chức tín dụng ghi nhận dư nợ tín dụng xanh trên 620.980 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022, nhưng chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, mỗi cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đều đang được kêu gọi từng ngày về giảm thiểu carbon, xuất khẩu xanh, thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, đây lại là vấn đề “nan giải” khi ngoài câu chuyện đổi mới từ đâu, thì nguồn vốn hỗ trợ trong thời điểm này thật sự quan trọng hơn tất cả.
“Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trải qua Covid-19, tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới khiến doanh nghiệp quan ngại khi đầu tư xanh. Trong khi đó, hiện chỉ có một vài ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn để doanh nghiệp chuyển đổi xanh - còn khá ít trong khi nhu cầu quá nhiều. Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ khuyến khích tất cả các ngân hàng đều đứng ra hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi xanh, có lãi suất ổn định…”, bà Chi chia sẻ.
Trước những rào cản nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp xoay xở bằng cách vay vốn với lãi suất cao, kéo dài thời gian đầu tư để khơi thông nguồn vốn.
Theo bà Lâm Thúy Ái, với xếp hạng tín dụng tốt, doanh nghiệp vẫn được các ngân hàng hỗ trợ, nhưng không được như gói tín dụng xanh do Nhà nước ban hành. Do vậy, để phát triển bền vững, bà Ái mong muốn sẽ có chính sách dễ thở hơn, thủ tục dễ dàng hơn và mở rộng ra nhiều tổ chức tín dụng hơn, không gói gọn trong một vài tổ chức tín dụng.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều doanh nghiệp mong muốn sẽ có chính sách ưu đãi với mức lãi suất thấp và có các điều kiện vay vốn dễ dàng hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư chuyển đổi xanh thúc đẩy phát triển bền vững mạnh mẽ hơn.
“Nếu lãi suất gói ưu đãi trong tín dụng xanh nằm ở mức 5-6%/năm, thì doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Thêm nữa, dù có gói hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận thì cũng không giải quyết được điều gì”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên nói.
Ông Nguyễn Văn Ngà cũng thông tin, hiện doanh nghiệp vay vốn với mức lãi suất 10-11%/năm. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước hỗ trợ phần lãi vay còn 3-4%/năm, thì doanh nghiệp sẽ tăng tốc nhanh hơn, nhanh chóng đạt được các tiêu chuẩn xanh hơn.