Rào cản của du lịch nông nghiệp
Trong dòng chảy của nền kinh tế xanh, du lịch nông nghiệp (DLNN) đang nổi lên như một hướng đi đầy hứa hẹn, gắn liền với sự phát triển bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa. Tại Việt Nam, nơi phần đông dân số sống ở nông thôn và sở hữu một nền nông nghiệp lâu đời, hình thức du lịch này không chỉ là cơ hội để khai thác tiềm năng sẵn có mà còn là con đường thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở các vùng quê. Song, để hiện thực hóa giấc mơ 'cất cánh', DLNN cần một chiến lược toàn diện, từ tư duy chính sách đến hành động thực tế, vượt qua những rào cản đang tồn tại.
Việt Nam không thiếu tài nguyên để phát triển DLNN. Các vùng miền Bắc, Trung, Nam hay Tây Nguyên đều sở hữu những lợi thế riêng. Tuy nhiên, DLNN vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Nhiều địa phương gặp khó khăn với việc kết nối giữa các điểm đến, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, chưa khai thác được vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa.
Một thách thức khác nằm ở thiếu sự đầu tư bài bản. Nhiều mô hình DLNN hiện nay hoạt động nhỏ lẻ, tự phát và chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm DLNN vẫn còn rời rạc và thiếu sự phối hợp giữa các địa phương. Trong bối cảnh du lịch đang ngày càng cạnh tranh, nếu không có những chiến lược quảng bá mạnh mẽ và hiện đại, việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế sẽ trở thành bài toán khó.
Ở góc độ vĩ mô, nhận thấy DLNN là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là động lực lớn để các địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ lưu trú và vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm-những yếu tố cơ bản, cần thiết để DLNN thu hút khách. Tuy nhiên, điều cốt lõi để phát triển bền vững không chỉ ở chính sách mà là sự chủ động và ý thức gắn bó của người dân địa phương.
Mỗi người dân trong cộng đồng cần trở thành một đại sứ cho văn hóa và cảnh quan quê hương mình, chứ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, để thu hút và giữ chân du khách, DLNN Việt Nam không thể thiếu sự kết nối mạnh mẽ hơn với thị trường bên ngoài. Đó là nhiệm vụ của các doanh nghiệp, hãng lữ hành trong việc đưa sản phẩm DLNN vào các tuyến tour chủ lực, đồng thời phối hợp với địa phương để quảng bá qua truyền thông hiện đại. Việc xây dựng chiến lược liên kết giữa các vùng, tạo nên những chuỗi trải nghiệm liên hoàn cũng là một giải pháp tăng tính bền vững của DLNN.
DLNN là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn các giá trị truyền thống. Để cơ hội này không bị bỏ lỡ, cần có sự đồng lòng từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Đây không chỉ là hành trình phát triển kinh tế mà còn là khám phá và tái định nghĩa những giá trị của quê hương, nơi mà sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên và văn hóa tạo nên sức sống mãnh liệt, bền vững cho tương lai.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/rao-can-cua-du-lich-nong-nghiep-803398